Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc). |
Chứng khoán Mỹ chịu sức ép trong phiên 30/6, khi số liệu cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng hạn chế chi tiêu, với chỉ số S&P 500 trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh nhất kể từ năm 1970.
Khi xung đột tại Ukraine không có dấu hiệu kết thúc, khiến giá năng lượng leo thang, lãi suất có thể tiếp tục tăng và kéo các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các thị trường Tokyo, Shanghai, Seoul, Sydney, Mumbai, Singapore, Jakarta và Wellington cùng giảm điểm, dù thị trường Bangkok tăng nhẹ.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,7%, xuống 25.935,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,3%, xuống 3.387,64 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,17%, xuống 2.305,42 điểm.
Thị trường Taipei giảm hơn 3% và giảm 20% so với mức kỷ lục gần đây. Còn thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu mất điểm trong tuần này, sau khi phục hồi trong tuần trước nhờ hy vọng sự giảm tốc của nền kinh tế hay các dấu hiệu suy thoái sẽ khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ chậm hơn.
Tuy nhiên, phát biểu từ các quan chức tài chính hàng đầu như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận để nền kinh tế suy giảm nếu có thể hạ nhiệt giá cả hiện đang tăng mạnh nhất trong 40 năm.
Nhà phân tích Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ) cho rằng các ngân hàng trung ương đã chấp nhận thực tế rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ông nhận định Fed có thể dừng hay ít nhất là giảm đáng kể tốc độ tăng lãi suất vào thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Chốt phiên 1/7, tại Việt Nam, VN-Index tăng 1,03 điểm lên 1.198,9 điểm. HNX-Index tăng 1,2 điểm lên 278,88 điểm./.