Năm 2025, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD. Ảnh tư liệu |
Đa dạng hóa thị trường
Năm 2024 là lần thứ hai xuất khẩu (XK) thủy sản đạt mốc 10 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ đóng góp phần lớn vào thành công này. Cụ thể, tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%; cá khác 1,9 tỷ USD…
Kết quả này càng ấn tượng khi XK trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới tiếp tục làm xáo trộn thương mại toàn cầu; trong đó có thị trường thủy sản. Hệ lụy đã làm chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tăng cao gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản…
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá thêm, những con số trên thể hiện ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã và đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường XK.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cũng nhận định, để có được kết quả như hiện nay có thể nói ngành đã nhận sự quan tâm trực tiếp và sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong định hướng, chỉ đạo. Cùng với đó là sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng trong tổ chức sản xuất, chế biến, cải tiến không ngừng về chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá thị trường...
Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 11 tỷ USD năm 2025
Năm 2025, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, theo các chuyên gia, ngành thủy sản cần tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện quy trình truy xuất nguồn gốc, và gia tăng tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm tới ngành thủy sản tiếp tục có những thách thức mới như việc giải quyết thẻ vàng IUU (thẻ phạt của Ủy ban Châu Âu đối với quốc gia không tuân thủ quy định khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý, thích ứng với biến đổi khí hậu), ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT tin tưởng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025 và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường XK được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp ngành thủy sản gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế...
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng nông dân, ngư dân, doanh nghiệp trong ngành thủy sản, chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu, mở rộng sản xuất, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp…
Đối với các doanh nghiệp thủy sản, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu tăng cường sự hợp tác, đoàn kết trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mất đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, phát triển thiếu bền vững. Cùng với đó, để tiếp tục mở rộng thị trường XK thủy sản, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu..., cần tập trung phát triển XK các sản phẩm thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông...
Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep cũng lưu ý các doanh nghiệp XK thủy sản về việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường, trong đó đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm và trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, để XK các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững, mà các yêu cầu này là của hầu hết người mua hàng, giới bán lẻ. Ngoài ra, các chuỗi cung ứng phải có trách nhiệm tự chuẩn bị, mà liên quan nhiều nhất là yêu cầu phát triển bền vững về ESG (môi trường, xã hội, quản trị), vì vậy các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này và phải thay đổi để thích ứng…
Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2025 tăng trưởng từ 10 - 15% Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 dự kiến đạt 62 tỷ USD, trong đó thủy sản đóng góp đáng kể. Trên cơ sở thắng lợi của năm 2024, các chuyên gia nhận định triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản rất khả quan, sẽ đạt trên 10 tỷ USD, tăng trưởng từ 10 - 15% so với năm 2024. |