Sửa phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Theo phân tích của Cục Thuế XNK (ban soạn thảo Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi), Điều 3 Luật Thuế XK, thuế NK hiện hành quy định phạm vi điều chỉnh của Luật này là về thuế XK, thuế NK đối với hàng hóa XK, NK qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới và hàng hóa mua bán, trao đổi khác được coi là hàng hóa XK. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì việc hàng hóa đưa vào, đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đã được coi là XK, NK.
Mặt khác, dự thảo Luật lần này đã bổ sung một chương quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế. Do đó, để bảo đảm tính bao quát, tại Điều 1 đã sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thời hạn nộp thuế XK, thuế NK và các biện pháp phòng vệ về thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK”.
Bổ sung đối tượng không chịu thuế
Ban soạn thảo phân tích, Điều 3 Luật thuế XK, thuế NK hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế bao gồm 4 loại hàng hóa (hàng hoá quá cảnh, mượn đường, chuyển khẩu; viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng hóa XK từ khu phi thuế quan ra nước ngoài hoặc ngược lại, hàng hóa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác; Hàng hóa là phần dầu khí thuộc thuế tài nguyên của Nhà nước khi XK), chưa đề cập đến đối tượng không chịu thuế là hàng trung chuyển.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về hải quan, hàng hóa trung chuyển là hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu vực trung chuyển, sau đó được đưa ra nước ngoài trực tiếp từ khu vực trung chuyển này (Khoản 1 Điều 44 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP).
Thực tế hiện nay, hàng hóa trung chuyển qua các cảng biển Việt Nam đang được thực hiện tại các cụm cảng Cái Mép-Thị Vải-Cát Lái, đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế và trong tương lai khả năng loại hình này sẽ phát triển ở Vân Phong- Khánh Hòa, Lạch Huyện- Hải Phòng, Vũng Áng- Hà Tĩnh. Xét về tính chất, loại hình này tương tự như hàng quá cảnh, chuyển khẩu, không tiêu thụ tại Việt Nam (đều do DN Việt Nam thực hiện dịch vụ và thu phí, không thực hiện thủ tục khai trên tờ khai hải quan như các loại hàng hóa thông thường khác mà chỉ thực hiện thủ tục giám sát hải quan).
Bên cạnh đó, tại Điều 3 Luật Thuế XK, thuế NK hiện hành đang quy định hàng mượn đường là đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, theo Luật Thương mại số 36/2005/QH11 và Luật Hải quan số 54/2014/QH13 không có quy định loại hình mượn đường, thực tế về bản chất đây là loại hình quá cảnh.
Vì vậy, để áp dụng chính sách thuế một cách thống nhất đối với các loại hàng hóa có cùng bản chất, cùng phương thức quản lý, ban soạn thảo đã bổ sung “hàng hóa trung chuyển” vào đối tượng không chịu thuế như đối với hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, đồng thời không quy định hàng mượn đường là đối tượng không chịu thuế.
Quy định rõ về người nộp thuế
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập DN... thì tổ chức, cá nhân nộp thuế được gọi chung là người nộp thuế. Đồng thời, Luật cũng chỉ quy định đối tượng nộp thuế là tổ chức, cá nhân có hàng hóa XNK, chưa cụ thể và bao quát hết các trường hợp người nộp thuế trên thực tế (ví dụ, ngoài chủ hàng còn có người nhận ủy thác, đại lý làm thủ tục hải quan và người nộp thuế thay… người sử dụng hàng hóa NK nhưng chưa nộp thuế của hàng ngoại giao chuyển đổi, hàng của tổ chức cá nhân thu gom hàng hóa của cư dân biên giới) và chưa thống nhất với quy định về người khai hải quan của Luật Hải quan 2014.
Theo đó, để thống nhất với Luật Quản lý thuế, khắc phục vướng mắc hiện hành, dự thảo Luật sửa cụm từ “đối tượng nộp thuế” thành “người nộp thuế”, đồng thời trên cơ sở các đối tượng nộp thuế quy định tại Nghị định 87/2010/NĐ-CP, Dự thảo Luật đã quy định chi tiết về các tổ chức, cá nhân là người nộp thuế. Cụ thể: Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; Cá nhân có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh, gửi hoặc nhận hàng hoá qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
Cùng với đó, quy định đối tượng được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thay thuế, bao gồm: Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế uỷ quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thay cho người nộp thuế; Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thay thuế cho người nộp thuế; Người xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp tài sản đảm bảo chưa nộp thuế; Người sử dụng hàng hóa chưa nộp thuế nhập khẩu; Tổ chức, cá nhân thu gom hàng hóa nhập khẩu của cư dân biên giới.
Sửa đổi nhiều thuật ngữ Dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK đã sửa đổi thuật ngữ Khu phi thuế quan vì theo quy định hiện hành thì Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ XK, NK. Tuy nhiên, thực tế có một số khu không được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (kho ngoại quan, kho bảo thuế) và một số khu không có hàng rào cứng bao quanh (khu kinh tế thương mại Cầu Treo- Hà Tĩnh, khu thương mại đặc biệt Lao Bảo, DN chế xuất). Đồng thời kế thừa các thuật ngữ đã được quy định trong các Pháp lệnh: Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa NK vào Việt Nam, Pháp lệnh về tự vệ trong NK hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa NK vào Việt Nam, dự thảo Luật đã bổ sung các thuật ngữ: Thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước; thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước; ngành sản xuất trong nước; hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp; biên độ bán phá giá không đáng kể; khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam không đáng kể; trợ cấp; mức trợ cấp không đáng kể; trợ cấp có tính riêng biệt. Bỏ các thuật ngữ: Biện pháp tự vệ, thuế tuyệt đối, tài sản di chuyển, hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân vì nội dung thuế tuyệt đối đã được quy định tại điều 7 dự thảo. Khái niệm biện pháp tự vệ không được sử dụng trong dự thảo Luật. Đối với khái niệm các tài sản di chuyển và hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân đã được quy định trong Luật Hải quan 2014. |