Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản vùng ĐBSCL và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ven biển có nuôi tôm.
Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới (sau Trung Quốc và Indonesia), với sản lượng từ 600.000 - 650.000 tấn/năm; dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng 300.000 tấn/năm và luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Đến nay, con tôm Việt Nam đã xuất khẩu tới gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, lớn thứ 3 ở thị trường Hoa Kỳ và thứ 4 trong khối EU.
Tính đến nay, Việt Nam có 12 doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao (chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) trên tổng 67 doanh nghiệp có BAP. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: “Tôm nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại các địa phương ven biển Việt Nam. Hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng”.
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/1999/QĐ-TTg ngày 8/12 phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010 và Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức tại Cà Mau sáng nay, 6/2. |
Những chính sách này có tầm quan trọng đặc biệt, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Giai đoạn 2001-2010, sản lượng thủy sản tăng 9,89%, thì nuôi trồng thủy sản đạt tới 17,96%, giá trị xuất khẩu thủy sản cũng tăng bình quân 12,23%/năm.
Chương trình này cũng đánh dấu sự ra đời của phương thức nuôi tôm công nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2008, sau khi Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL, nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng thứ hai sau tôm sú.
Tại Cà Mau, nuôi tôm nước lợ đạt ngưỡng 278.000 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 282.000 tấn, trong đó tôm đạt 146.000 tấn; năng suất tôm nuôi bình quân 521 kg/ha/năm. Cà Mau có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau đạt khoảng 1 tỷ USD. Hệ thống dịch vụ nghề nuôi tôm phát triển khá, nguồn lao động dồi dào. Nuôi tôm là nghề có thế mạnh đặc biệt của tỉnh. Trên đà phát triển, tỉnh cùng các doanh nghiệp thủy sản quyết tâm xuất khẩu tôm đạt ngưỡng 2 tỷ USD vào năm 2021.
Hiện tỉnh duy trì và phát triển các loại hình nuôi tôm, bao gồm cả nuôi công nghiệp (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) diện tích gần 9.600 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao là 178,7 ha với 200 hộ nuôi, năng suất thu hoạch trung bình đạt trên 20 tấn/ha/vụ nuôi.
Loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến với diện tích 94.500 ha, diện tích thả giống đạt 100%, năng suất bình quân 540 kg/ha/năm. Việc phát triển nhanh diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong những năm gần đây là do loại hình nuôi này tương đối ổn định, hiệu quả. Cà Mau cũng duy trì sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm. Đây là mô hình sản xuất bền vững, đạt hiệu quả khá cao, năng suất tôm từ 400 – 460 kg/ha/năm. Năm 2016, diện tích tôm - lúa toàn tỉnh là 50.000 ha, tập trung ở vùng Bắc Cà Mau (các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau).
Và loại hình nuôi tôm - rừng (tôm sinh thái) có diện tích trên 30.000 ha (chỉ tính diện tích mặt nước nuôi tôm). Trong đó, diện tích được chứng nhận khoảng 20.000 ha (Naturland, EU, ASC, Selva Shrimp, BAP...), với trên 3.700 hộ nuôi. Năng suất tôm nuôi khoảng 280 kg/ha/năm. Nuôi tôm sinh thái được xem là loại hình nuôi bền vững, ngành nông nghiệp đang tập trung để tái cơ cấu nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của loại hình này.
Theo thống kê của ngành NN&PTNT, năm 2013, tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Chỉ sau 10 năm thực hiện Quyết định 24 và Nghị quyết 09 (2000-2010), diện tích nuôi tôm của Việt Nam đã tăng từ 228.610 ha lên 639.115 ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97,628 tấn lên 443,714 tấn (gấp 4,5 lần).
Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu.
Năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp, nhất là nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL: Độ mặn tăng cao, tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000 ha (trong đó Cà Mau bị thiệt hại 155.890 ha, Kiên Giang 13.800 ha và Bạc Liêu 18.448 ha).
Tuy nhiên, năm 2016, Việt Nam vẫn giữa vững thị trường xuất khẩu và đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Băn khoăn lớn nhất của ngành tôm Việt Nam hiện nay là nguồn cung ứng giống và chất lượng giống. Ước tính mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại). Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Đó cũng là bức xúc và nhu cầu rất lớn của vùng nuôi tôm lớn nhất nước như Cà Mau hiện nay.
Bộ NN&PTNT xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng, lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng: Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp; phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.
Để ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm phát huy được tiềm năng, lợi thế và tăng sức cạnh tranh, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm phê duyệt và triển khai Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030 vào quý 2/2017. Theo đó, đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và có chương trình khoa học công nghệ dành riêng cho con tôm.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chủ lực trong năm 2017 sẽ tăng nên giá tôm ở mức cao. Do vậy năm 2017 có khả năng sản lượng tôm nguyên liệu tăng nhẹ. Dự kiến xuất khẩu tôm năm 2017 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016. Trong đó tôm chân trắng đạt 2 tỷ USD, tăng 8% và tôm sú đạt 900 triệu USD, tăng 2%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, mặc dù tùy thời điểm (theo đặc tính mùa vụ) có lúc cung thiếu hụt hoặc dư thừa cục bộ so với cầu, nhưng về cơ bản, cung và cầu tôm thế giới ở trạng thái khá cân bằng, tăng ổn định từ nay tới năm 2018. Trong đó cầu có xu hướng tăng so với cung, dẫn tới giá sẽ có xu hướng tăng từ 7-8%. Đây là cơ hội tốt cho việc phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam thời gian tới.
Theo đó, tỉnh Cà Mau đã xây dựng đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của việc triển khai thực hiện đề án nhằm phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.
Đồng thời, tỉnh đề còn ra nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển ngành tôm trong những năm tiếp theo như: Nâng tổng diện tích nuôi tôm đạt 278.000 ha, sản lượng tôm nuôi 170.000 tấn, năng suất bình quân chung 612 kg/ha/năm.
Mục tiêu đến năm 2020, Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân 8,5%/năm. Diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 800 ha để tăng nhanh năng suất, sản lượng, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh. Sản lượng tôm nuôi 250.000 tấn.
Hội nghị dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận nhằm tìm giải pháp đưa ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Đại diện nhiều tập đoàn chế biến và cung ứng giống hàng đầu cả nước: Việt - Úc, Minh Phú, các doanh nghiệp, chuyên gia về tôm nuôi bày tỏ mong muốn sẽ đạt được của ngành tôm Việt Nam đến Thủ tướng, rằng đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam đủ mạnh trên thị trường thế giới, đưa Việt Nam thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới trong thế kỷ 21.
Theo các đại diện của ngành tôm Việt Nam, con tôm là hàng hóa đặc biệt. Bởi không quốc gia nào, không tôn giáo nào trên thế giới kiêng cữ sử dụng tôm làm thực phẩm. Nó đặc biệt bởi có thể áp dụng nhiều quy trình nuôi, hình thức nuôi, thậm chí nuôi nhỏ lẻ và giá trị hàng hóa xếp vào loại cao nhất trong các loại thủy sản nuôi cùng loại.
Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam muốn đạt ngưỡng 10 tỷ USD vào năm 2025 thì trước hết cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Tránh đi vào vết xe đổ của ngành xuất khẩu gạo, cá da trơn.
Đại diện đến từ Tập đoàn Việt - Úc cho hay: Việt - Úc đang là Tập đoàn cung ứng giống hàng đầu cả nước. Việt - Úc cũng là đơn vị đang có giá trị cạnh tranh công nghệ cao với các nước đang đứng đầu về công nghệ tạo giống, nuôi tôm như Australia và Indonesia. Giá trị hàng hóa tôm nuôi của Việt - Úc đang mang tính cạnh tranh lớn với các nước về chất lượng, giá và sản lượng nuôi trên cùng diện tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung bày tỏ: “Bạc Liêu hiện là tỉnh có sản lượng tôm nuôi đứng đầu khu vực ĐBSCL và là tỉnh chủ động về cung ứng giống nội địa mang tính bền vững nhất. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng nội địa cần song hành tạo thương hiệu tôm Việt để đảm bảo tính cạnh tranh và phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế. Có như thế người nuôi tôm Việt Nam, ngành tôm Việt Nam mới mong trụ vững trên thị trường quốc tế trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa các “cường quốc” tôm".
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng bày tỏ: Tôm giống nhập về tỉnh Cà Mau qua kiểm dịch khoảng trên 9 tỷ con/năm. Cà Mau khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn, có uy tín cung cấp tôm giống tốt vào Cà Mau thực hiện qua hình thức cam kết chất lượng; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh để quản lý chặt chẽ tại nơi sản xuất, hạn chế tình trạng giống không đạt chất lượng vẫn được nhập vào Cà Mau. Tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với giống tôm thẻ chân trắng nhập tỉnh để ngăn chặn giống không rõ nguồn gốc.
Tỉnh cũng đã có đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn về một số lĩnh vực để ngành nuôi tôm Cà Mau phát triển. Đó là tăng nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển nuôi tôm cho tỉnh Cà Mau, nhất là hệ thống thủy lợi và điện.
Việc thực hiện liên kết tiểu vùng, liên kết vùng đang triển khai thực hiện theo lộ trình. Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng đã dự kiến liên kết một số nội dung, trong đó cấp bách là việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi tiểu vùng bán đảo Cà Mau. Tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn kết hợp với ngân sách địa phương để thực hiện thí điểm trong năm 2017; cần nghiên cứu tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có bảo hiểm tôm nuôi nhằm giúp người dân có nguồn vốn tái sản xuất khi gặp rủi ro do thiên tại, dịch bệnh.
Đề nghị Trung ương bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư tại Cà Mau 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 200 ha tại huyện Ngọc Hiển phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ mối quan tâm đến thực trạng sản xuất tôm còn manh mún của Việt Nam. Đồng thời kỳ vọng Việt Nam là nước có kinh nghiệm nuôi tôm và sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các cường quốc tôm khác. Song, ngành nuôi tôm Việt Nam phải khắc phục khó khăn của biến đổi khí hậu, đảm bảo sản lượng và chất lượng tôm nuôi.
Muốn thế, các ngành, địa phương phải rà soát lại các chính sách hỗ trợ ngành tôm, hoàn thiện thể chế, bổ sung các văn bản pháp luật (nếu có) để ngành tôm thuận lợi mở rộng quy mô sản xuất. Phải có đánh giá thị trường, nuôi tôm phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Nhất thiết phải có kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu. Xác định rõ từng loại tôm nuôi phù hợp vùng, tiểu vùng. Phát triển hạ tầng phục vụ nuôi tôm. Cần có lộ trình phù hợp theo từng giai đoạn, mốc thời gian. Đồng thời kiểm soát dịch bệnh tôm nuôi, nâng cao đời sống thu nhập người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nuôi tôm Việt Nam phải nâng tỷ trọng xuất khẩu tôm lên 10 tỷ USD trước năm 2025; xây dựng thương hiệu tôm Việt trên thị trường thế giới; ngành nuôi tôm cần phải cùng nhau hỗ trợ nhiều vấn đề liên quan: giống sạch, thức ăn tốt, có thương hiệu tốt, dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại, rút ngắn quá trình trung gian trong sản xuất, thu mua tôm thịt, tôm giống để tăng lợi nhuận hơn nữa cho người nuôi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm tôm của Cà Mau được trưng bày tại Hội nghị. |
Thủ tướng mong muốn với quyết tâm và lợi thế, nguồn lực hiện hữu, ngành nuôi tôm Việt Nam sẽ là công xưởng sản xuất tôm của thế giới trong thế kỷ 21. Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ: NN&PTNT, KHCN, Công thương, KHĐT, Tài chính, Công an cùng tham mưu, phối hợp rà soát lại các cơ chế chính sách hỗ trợ ngành tôm. Qua đó tạo động lực, tiền đề để ngành tôm phát triển mạnh trong tương lai.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ điện cho người nuôi tôm. Các địa phương phải chủ động siết chặt hoạt động sản xuất kinh doanh tôm giống và an toàn thực phẩm; có kế hoạch liên kết vùng và hình thành trung tâm sản xuất công nghệ cao. Nghiên cứu và làm rõ mô hình phát triển mới doanh nghiệp xã hội trong nuôi tôm: tôm lúa, tôm rừng, đảm bảo đủ sức cạnh tranh các mặt hàng tôm sinh thái với các nước trên thế giới.
Phong Phú