【câu lạc bộ bóng đá macarthur – melbourne victory】“Gặp” Tràng An ở xứ Thanh
29 ngọn núi của dãy Kim Sơn bao quanh khu thắng tích. |
Khu danh thắng Kim Sơn nằm ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hóa chừng 40km. Từ trung tâm thành phố, ô tô đưa chúng tôi vào tận cổng khu danh thắng với khoảng 1 giờ đồng hồ di chuyển. Từ chỗ ô tô đỗ đến bến thuyền chỉ một quãng ngắn, rất thuận tiện cho khách.
Chúng tôi chia nhau cứ 10 người một thuyền, ổn định đâu đấy thì tài công cho thuyền chạy. Hơi ngạc nhiên vì không thấy chèo cũng chẳng nghe tiếng máy nổ mà thuyền cứ chạy bon bon. Hóa ra, con thuyền vận hành bằng mô tơ điện gắn với bình ắc quy 12V. Khoan thai mà êm ái, giải pháp này quá hay, có thể vận dụng cho sông Hương xứ Huế được thì tuyệt vời.- Tôi thầm nghĩ.
Suối Ấu là tên của dòng nước đang chở thuyền chúng tôi đi vào vùng lõi của khu danh thắng. Con suối nhỏ thôi, nhưng trong veo. Hai bên dòng suối được trồng hoa súng, thuyền xuôi dọc đôi thảm hoa ngút ngàn rực rỡ như thế thì khách làm sao tránh được cái cảm giác như đang lạc bước đến chốn thần tiên. Đưa mắt nhìn chung quanh thấy trùng trùng điệp điệp là núi đá. Theo giới thiệu đó là dãy Kim Sơn với tất thảy 29 ngọn núi. Cheo leo trên các vách đá là những chú khỉ vàng chạy nhảy tung tăng, hoặc âu yếm ngồi bắt chấy cho nhau, hay đưa mắt tò mò nhìn theo những chiếc thuyền đang đưa khách vào thăm khu thắng tích. Nghe nói trước khi khu thắng tích Kim Sơn được công nhận là danh thắng Quốc gia (2009), đàn khỉ vàng nơi đây chỉ có vài chục cá thể. Bây giờ, đàn khỉ ước đã lên đến cả ngàn con.
Hoa súng được trồng men đôi bờ suối Ấu. |
Dọc theo suối Ấu, chúng tôi còn bắt gặp những đàn dê bình yên gặm cỏ, uống nước, hoặc nằm nghỉ ngơi nơi một hốc đá cheo leo bên sườn núi. Đó là những đàn dê được doanh nghiệp nuôi thả tự nhiên. Chúng tự động tìm ăn các loại lá rừng, đêm tự tìm các hang hốc để ngủ nên chất lượng thịt được ví ngon và quý như dê núi hoang dã. Ngoài dê, heo cũng được nuôi thả tự nhiên như vậy. Có mẹ heo dắt theo đàn con cả chục đứa ủi tìm thức ăn ven suối, nghe tiếng người lại lủi vào núp trong các lùm cây thấp cạnh đó, trông thật dễ thương…
Bầy khỉ tự nhiên được bảo vệ, nay đã lên đến cả ngàn cá thể . |
Mải ngắm cảnh, trước mắt đã hiện ra cửa hang khá rộng. Thuyền đưa khách theo dòng nước chui vào lòng núi. Theo giới thiệu, đây là động Kim Sơn (động nước), một trong 7 hang động rộng và đẹp của khu thắng tích. Không khí trong hang mát lạnh hơi đá, thuyền chậm chậm trôi để khách có thể thong thả nhìn ngắm các nhũ đá được hình thành sau hàng triệu năm với muôn loại hình thù cho khách thả sức tưởng tượng ra các hình thù chim, thú, trống, chuông….tùy theo góc nhìn và cảm nhận của mình. Chừng hơn 50m thì thuyền đến cửa hang thông sang phía bên kia núi. Hang rộng và kín đáo, nên thời kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ, nơi đây đã được dùng làm nơi trú quân, cất giữ vũ khí của ta.
Cửa động Kim Sơn. |
Qua khỏi cửa hang bên kia thì thuyền đưa chúng tôi quay ngược trở lại rồi ghé thăm chùa Linh Ứng. Ngôi cổ tự này được biết xuất hiện từ thời nhà Lý. Chùa nhỏ thôi, nhưng cảnh sắc toát lên vẻ linh thiêng huyền bí. Lưng chùa dựa vào núi, phía trước là đầm nước rộng mênh mông làm “minh đường” cho ngôi cổ tự. Ở mé hữu của chùa Linh Ứng là một con dốc nhỏ dẫn lên động Ngọc Kiều. Từ phía trong nhìn ra, động như có 3 cửa xếp chồng lên nhau tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân. Một phiến đá tự nhiên nối ngang trần cửa thứ nhất như một chiếc cầu, có lẽ vì vậy mà người ta đặt tên cho động là Ngọc Kiều (chiếc cầu ngọc). Trong động được thờ Phật và thiết kế các cầu thang, đèn chiếu để du khách có thể thăm nom, khám phá hệ thống hang và vô vàn thạch nhũ, măng đá… Điều đặc biệt là ở trong động có một hốc đá đầy nước trong vắt có thể uống trực tiếp. Đó là Giếng Ngọc. Ai đến đây cũng đợi đến phiên để múc một cốc nước nhỏ, uống một ngụm, xoa lên mặt một ít, lòng tự nghĩ đó là nước “cam lồ” có năng lực xua tan tật bệnh, não phiền kiếp nhân gian…
Giếng Ngọc trong động Kim Sơn. |
Rời động Ngọc Kiều, chùa Linh Ứng, thuyền đưa khách cập bến Ngọc Kiều để thăm động Tiên Sơn. Muốn lên đến cửa động, khách phải chuẩn bị tinh thần để leo 203 bậc cấp. Người khỏe có thể đi 1 lèo, người sức khỏe khiêm tốn hơn thì có thể thong thả vừa leo vừa…nghỉ, bao giờ tới thì tới. Động Tiên Sơn là động khô, được giới thiệu là động duy nhất trong hệ thống hang động ở khu thắng tích có thể khám phá mà không phải dùng thuyền. Khách sẽ bị ấn tượng ngay từ bước chân đầu tiên khi vào cửa động bởi một khối măng đá lớn hiện ra trước mặt. Điều đặc biệt là khối măng đá này trông không khác gì một pho tượng “Quan Âm Bồ tát tọa liên đài”. Thiên nhiên quả đúng là kỳ thú. Động Tiên Sơn có 3 tầng, càng đi sâu xuống khách sẽ như đi vào một mê cung với vô số thạch nhũ, trụ đá, măng đá lấp lánh ánh bạc và đủ hình đủ dạng. Tôi chỉ lần được xuống đến tầng thứ hai, rồi thì xin…bỏ cuộc chứ không dám tiến tiếp đến tầng “thủy cung” là tầng cuối cùng. Thứ nhất là tự lượng sức mình, thứ nữa là đang mang giày tây, rất không phù hợp bởi sẽ dễ trượt ngã do địa hình dốc và trơn trượt trong hang. Tiếc nhưng cũng đành hẹn một dịp khác vậy.
Măng đá vô tình tạo hình tượng Quan Âm Bồ tát. |
Chúng tôi kết thúc chuyến khám phá thú vị này với một bữa tiệc ấm áp tại nhà hàng Tiên Sơn ngay bến Ngọc Kiều. Dê núi, cá lóc nướng, vịt trời được nuôi, rau rừng được trồng tại chỗ…Toàn những món đặc sản ngon và lành. Tiếc là thức chấm lại khá đơn điệu nên hơi uổng cho các món ăn. Định bụng có dịp trở lại, và chủ nhà hàng mà…không tự ái, chúng tôi sẽ “chuyển giao” cho một vài công thức làm nước chấm kiểu Huế, đảm bảo thực khách chỉ có mà…nhức răng. Như có bận, nhóm anh em cố đô ghé thưởng thức thịt me cầu Đòn ở Nghệ An, thấy luộc, nướng gì cũng chỉ toàn chấm độc một loại tương bần. Một anh trong đoàn xuống bếp, xin nắm muối sống, vài quả ớt xanh giã giập. Mang ra chấm với thịt me là nó đẳng cấp liền. Sớt cho vài bàn xung quanh, ai cũng gật gù bái phục. Nếu lúc ấy có thêm vài nải tiêu xanh đi kèm nữa thì cứ phải gọi là “hết nước chấm”.