Tính riêng VAMA, năm 2012 tổng sản lượng bán hàng đạt 80.487 chiếc, giảm 27% so với năm 2011 (thấp hơn so với tỷ lệ giảm chung của toàn thị trường là 33%). Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 26.074 chiếc, giảm 36%; phân khúc xe đa dụng đạt 16.956 chiếc, giảm 26%; phân khúc xe thương mại đạt 35.528 chiếc, giảm 23%. Hầu hết hãng xe đều sụt giảm. Đơn cử như GM với 5.613 xe, giảm 46%; Ford Việt Nam với 4.790 xe, giảm 45%; Vinaxuki đạt 4.453 xe, giảm 41%; Trường Hải đạt 24.001 xe, giảm 25%; Toyota Việt Nam đạt 24.927 xe, giảm 16%.
Ngoài dự liệu
Dường như chưa có năm nào ngành sản xuất, kinh doanh, NK ô tô lại gặp khó khăn như năm 2012. Một năm mà nhẽ ra phải có nhiều tiến triển mới khi khá nhiều liên doanh như Toyota Việt Nam, Mercedes–Benz, Honda Việt Nam… có Tổng giám đốc mới.
Sau nhiều lần thay đổi dự đoán, kết thúc năm 2012, con số chính thức mới nhất vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cho thấy tổng lượng ô tô (tính chung cả xe khách, xe bán tải, xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi) bán ra thị trường trong năm 2012 (bao gồm cả NK) đạt 92.584 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt lượng xe ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi có sự giảm sút nghiêm trọng. Bỏ qua con số (đã có phần được “làm đẹp”) mà các hãng công bố, số liệu khảo sát từ những nguồn đáng tin cậy khác của phóng viên cho thấy lượng xe du lịch dưới 9 chỗ đăng ký mới lần đầu của cả năm 2012 chỉ vào khoảng 52.000 xe. Khoảng 40% số đó thuộc về liên doanh dẫn đầu là Toyota Việt Nam (gần 25.000 xe), một lượng lớn nữa thuộc về 2 hãng tiếp theo là Trường Hải (tính riêng xe dưới 9 chỗ ngồi) và Hyundai Thành Công (khoảng gần 10.000 xe/DN), số ít ỏi còn lại các hãng chia nhau. Thậm chí một vài hãng có tên tuổi nhưng cả năm chỉ đạt vài nghìn xe.
Kết quả này ngoài mong muốn cũng như dự đoán của các DN. Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch VAMA, ông Laurent Charpentier cho biết, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung, các DN ô tô cũng nhận định rằng khả năng suy giảm của thị trường ôtô năm 2012 là không tránh khỏi. Song, giảm đến mức này thì ít DN dự liệu. Đặc biệt là những tháng đầu năm, lượng xe tiêu thụ rất thấp.
Cũng như nhiều ngành sản xuất khác, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung. Khi DN thiếu vốn, hàng chục nghìn DN rơi vào cảnh phá sản; nợ lương, không thưởng... thì việc “thắt hầu bao” đối với mặt hàng xa xỉ như ô tô là lẽ tất yếu.
Nhưng riêng ô tô còn phải chịu thêm những nguyên nhân khác không kém phần quan trọng bởi đây là mặt hàng phải gánh nhiều mức thuế, phí, lệ phí trước bạ cao, những “dự định” sẽ thu… đã tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng.
Phân tích từ VAMA cho rằng: 50% sự sụt giảm của thị trường ô tô năm 2012 là do việc tăng phí, thuế cùng với việc các loại thuế, phí mới ban hành. Một vài khoản “dự định” sẽ thu, tăng thu mới (như phí sử dụng đường bộ; đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân... ) là nguyên nhân quan trọng khiến người mua do dự.
Nghịch lý
Tuy nhiên, thị trường ô tô năm 2012 vẫn tồn tại những nghịch lý đáng suy nghĩ. Đó là mức tăng trưởng đến ngạc nhiên của dòng xe sang, lượng xe siêu sang (thông qua các ngả đường NK khác nhau) “đổ” về khá lớn. Nhu cầu tiêu thụ dòng xe sang được đáng giá là rất sôi động.
Tiết lộ từ nhà NK xe thương hiệu BMW cho biết, tốc độ tăng trưởng dòng xe này vẫn đạt mức 40%. Tương tự như vậy là các sản phẩm của thương hiệu cao cấp Mercedes - Benz hiện cũng đang đạt tăng trưởng cao với con số 2.000 xe trong năm 2012, giúp liên doanh này tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu dòng xe sang tại Việt Nam. Hoặc ở dòng xe siêu sang khác như Rolls Royce, Audi, BMW, Volkswagen… vẫn được tiêu thụ tốt tại thị trường Việt Nam.
Một nghịch lý khác đang diễn ra là mặc dù sức mua thấp, song thị trường vẫn đang rơi vào cảnh “khan hiếm” một số mẫu xe mới, khách hàng phải xếp hàng chờ, thậm chí là chờ qua Tết mới nhận được xe. Đơn cử như một số mẫu xe mới của Toyota Việt Nam, Hyundai Thành Công, Trường Hải... Đại diện các hãng này cho biết, nhiều đơn hàng sẽ phải chờ (thậm chí qua Tết) mới nhận được xe. Nguyên nhân chính là do thị trường xuống thấp, hàng tồn kho nhiều nên nhà sản xuất đã “e dè” khi lên kế hoạch NK linh kiện và sản phẩm.
Hứa hẹn gì cho 2013?
Thông tin đáng phấn khởi nhất được xem là sẽ tác động mạnh đến tâm lý mua xe của người tiêu dùng, đó là những thay đổi về lệ phí trước bạ mà Chính phủ vừa ban hành (Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu). Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đồng ý không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện; giảm lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu xuống mức chung 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng lên nhưng không vượt quá 50% mức quy định chung. Đối với ôtô đăng ký từ lần thứ 2 trở đi, mức thu chung sẽ giảm xuống 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Đánh giá về những thay đổi này vị Chủ tịch VAMA phấn khởi cho rằng: Thay đổi này sẽ tác động lớn đến thị trường ô tô, tuy không phải ngay trong quí đầu tiên của năm, nhưng từ quí II trở đi thị trường sẽ khởi sắc.
Một điểm nữa khá quan trọng đó là sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trước những khó khăn của DN sản xuất ô tô. Mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công Thương tổng hợp, đánh giá thực trạng để đề xuất định hướng chính sách thuế, tài chính đối với ngành ô tô trong thời gian tới. Theo đó, hai bộ này đã có báo cáo cùng đề xuất chính sách hỗ trợ, gỡ khó cho ngành công nghiệp ô tô. Các chính sách này sẽ được đồng bộ trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Với nhận định kinh tế 2013 sẽ vẫn còn không ít khó khăn, VAMA cho rằng năm 2013 thị trường sẽ tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng nhẹ. Tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường ôtô Việt Nam sẽ đạt khoảng 100.000 xe, tương đương mức tăng 8% so với năm 2012.
Nguyễn Hà