Thanh long, dưa hấu, thủy sản bị ngưng trệ giao thương
Diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra ở Trung Quốc khiến việc XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như rau quả, thủy sản đang bị ngưng trệ, nhất là việc thông quan tại các cửa khẩu bị khó khăn.
Biểu hiện rõ nét nhất là ngày 2/2/2020, tại Lạng Sơn đang có khoảng 175 xe chở thanh long (loại 20 tấn/xe), tương đương 3.500 tấn bị ùn ứ ở cửa khẩu. Tại tỉnh Lào Cai cũng đã xuất hiện tình trạng thanh long XK sang Trung Quốc bị ùn ứ tại cửa khẩu với số lượng khoảng 3.000 tấn.
Tập đoàn Hồng Thái Dương - một doanh nghiệp cung ứng số lượng lớn rau quả, trái cây cho thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) thu mua khoảng 40% sản lượng thanh long của tỉnh Long An, đã hủy đơn hàng 300 container thanh long ruột đỏ, tương đương khoảng 6.000 tấn. Dù doanh nghiệp này có thiện chí đền bù 50 triệu đồng/container, nhưng đây là giá trị rất nhỏ so với tổng đơn hàng này.
Không chỉ sản phẩm thanh long, hàng trăm tấn dưa hấu trong Nam chờ XK sang Trung Quốc cũng bị tồn đọng vì các cửa khẩu Trung Quốc ngừng thông quan do dịch cúm Vũ Hán. Vì vậy, rất nhiều xe container chở dưa hấu đã phải quay ngược về để tiêu thụ trong nước với mức giá 8.000 đồng/kg ở Hà Nội.
Với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch bệnh chưa có, nhưng tiến độ đơn hàng đều chậm lại. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng. Bên cạnh đó, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng đi Trung Quốc. Những doanh nghiệp xuất hàng sang Trung Quốc sản lượng lớn hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn. Tại Trung Quốc, những khách hàng bán trực tiếp các nhà hàng, khi các hệ thống nhà hàng ngừng hoặc giảm thì các cửa hàng thực phẩm lớn giảm hoặc ngưng vì không muốn mất chi phí lưu hàng hóa.
Bên cạnh thiệt hại về thanh long, dưa hấu còn có thiệt hại gián tiếp khác là quá trình thương thảo XK chính ngạch các loại sản phẩm: sầu riêng, tổ yến, khoai lang đang dần đi đến hồi kết nhưng đã bị đóng lại.
Tìm lối ra cho nông sản XK
Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trước tác động của dịch bệnh Corona do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đề xuất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) và Bộ Công thương hỗ trợ XK thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho quả thanh long. Đồng thời, các ngành chức năng hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối lớn trong nội địa. Tỉnh này đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kho lưu trữ đông lạnh, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho hay, hiện nay nhóm doanh nghiệp XK trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán, các thương lái đặt mua ở vựa để XK sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh XK nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, dịch bệnh ảnh hưởng đến thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi Trung Quốc là thị trường khổng lồ tiêu thụ nông sản Việt Nam. Ảnh hưởng này còn kéo dài do diễn biến dịch bệnh chưa biết đến bao giờ dừng.
Trước nguy cơ này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các ngành hàng, đơn vị tổng rà soát khối lượng các nhóm hàng nông sản XK sang Trung Quốc, đề ra kịch bản từng tháng một và căn cứ diễn biến tình hình của từng giai đoạn để có phương án ứng phó. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thương mại, tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trong nước nếu không XK được do dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản cần liên kết chặt chẽ với các vùng nhiên liệu để thu mua chế biến, giảm bớt khối lượng XK thô, XK tươi. Các ngành hàng logistic kiểm tra các kho bãi dự trữ đông lạnh để có thể đưa một số sản phẩm vào ướp đông lạnh, kéo dài thời gian phân phối thương mại.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đặc biệt với các địa phương có diện tích trồng thanh long lớn cần có kế hoạch điều chỉnh sản lượng sản phẩm trái vụ để thích ứng với tình hình hiện nay, tập trung quy hoạch đầu tư vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng các thị trường khác, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Về tiêu thụ nội địa, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail, cũng cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân trong phạm vi có thể; đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu. Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, đơn vị này kiến nghị Bộ NN&PTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để lên chương trình, bố trí ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa tiêu thụ cho bà con. Bà Nguyễn Thị Phương cũng khuyến nghị, trong bối cảnh này, các hợp tác xã, nông dân nên quay về thị trường nội địa và nghiêm túc với thị trường này.
Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ NN&PTNT dẫn đầu sẽ cùng các doanh nghiệp XK nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; sang Hoa Kỳ từ 22/2; sang Braxin trong tháng 3/2020; tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật Bản tháng 3/2020; Liên bang Nga tháng 6; Úc và NewZealand tháng 7; Hàn Quốc tháng 8; châu Âu quý II/2020; Indonesia, Myanma quý III/2020… Đồng thời, bám sát Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh trao đổi, liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý I, quý II/2020 để tháo gỡ khó khăn. |
Khánh Linh