Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 18/1. Ảnh: TL |
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ một trong những kết quả quan trọng của kỳ họp là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với hệ thống pháp luật này, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đồng thời, theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là “bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp, cũng như các quyết sách khác của Quốc hội”.
Thông tin thêm tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội đã xem xét dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu nào phát biểu thêm. “Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả” - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Trao đổi thêm tại cuộc họp báo về những điểm mới, mang tính đột phá, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trên thực tế của Luật Đất đai mới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng: “nếu liệt kê chi li thì hàng trăm điểm mới”. Trong đó, khái quát có 5 nhóm nội dung mới.
Thứ nhất là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, có nhiều quy định mới, như: thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh; thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội...
Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, như đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Thứ tư là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.
Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Để hoàn thiện một dự án luật đồ sộ, phức tạp như vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế chia sẻ, cơ quan chủ trì thẩm tra đối diện rất nhiều thách thức, yêu cầu cao trong khi thời gian không có nhiều.
“Một dự án luật 50 điều khoản có thể không phải là vấn đề, nhưng với một đạo luật tới 260 điều như Luật Đất đai, đôi khi nghiên cứu tiếp thu 1 ý kiến đại biểu có thể mất nửa buổi, chưa kể thời gian chỉnh lý, hoàn thiện” - đại biểu Phan Đức Hiếu nói.
Với quyết tâm nỗ lực cao nhất, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan đã tăng cường nhân sự làm việc liên tục, không kể thời gian để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Phân bổ 58 nghìn tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ. Cùng với đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát. Về vấn đề tài chính, ngân sách, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương (NSTW) của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH). Theo đó, cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông. Riêng lĩnh vực giao thông được phân bổ 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm. |