Ông Lê Tứ Phương, Tổ trưởng Tổ An ninh tự quản đảo Hòn Chuối, phấn khởi khoe, nếu như cách đây 6 năm, cư dân trên đảo sống chủ yếu nhờ nghề câu cá lạt quanh đảo thì hiện tại nghề câu cá lạt không còn tồn tại, do không còn nguồn cá, nhưng thay vào đó là nghề nuôi cá bớp trong lồng bè cho thu nhập cao và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong đất liền hướng ra biển đảo làm ăn sinh sống.
Ngư dân Hòn Chuối thu hoạch cá bớp. |
Các bè cá của ông Huỳnh Phong Vụ và ông Lê Văn Út đang được chăm thúc để chuẩn bị bán. Ông Vụ và ông Út được xem là người tiên phong của Cà Mau ra đảo đầu tư đóng bè nuôi cá bớp lồng và cũng là người hướng dẫn cho cư dân đảo Hòn Chuối biết cách làm theo. Hiện nay, ông Vụ đang nuôi 3.000 con, trong đó gần 2.000 con đã đến lứa. Theo tính toán của ông Vụ, với giá hiện nay 120.000 đồng/kg, gần 20 tấn của ông trị giá trên dưới 2 tỷ đồng. Còn ông Út có 19 lồng, tổng số trên 4.500 con và có khoảng 3.000 con đã nuôi được 10 tháng, giá trị cũng trên 2 tỷ đồng. Nếu xuất được cùng một lúc cả ông Vụ và ông Út sẽ lời gần tỷ bạc.
Để có được những bè cá như hôm nay, ông Huỳnh Phong Vụ chia sẻ, sau bao năm gắn bó với nghề đánh bắt, tôi phát hiện khu vực Hòn Chuối có bãi, có vách đá che chắn sóng tốt, môi trường nước sạch và nguồn cá giống đánh bắt có sẵn, nên tôi quyết định đầu tư nuôi cá bớp trong lồng bè. Lúc đầu nuôi thử chỉ thả 300 con, sau 6 tháng thấy cá nhanh lớn, đạt đầu con, bán có lãi cao, tôi nhân rộng dần dần, đồng thời vận động, hướng dẫn bà con cư dân trên đảo làm theo. Hiện tại trên khu vực đảo Hòn Chuối đã có trên 20 hộ có bè nuôi cá bớp trong lồng.
Nghề nuôi cá bớp ở Hòn Chuối đang mang lại hiệu quả, nhưng trên thực tế, người nuôi cá bớp lồng đang gặp nhiều khó khăn cho đầu ra sản phẩm. Và hiện nay nguồn cá giống cũng ít dần so với những năm trước, bên cạnh đó giá thức ăn cho cá bớp cũng tăng cao. Ông Lê Văn Út, đang sở hữu 19 lồng cá với trên 4.500 con, cho biết, nghề nuôi cá bớp trong lồng bè ở Hòn Chuối mới bắt từ năm 2011. Thời gian đầu nguồn cá giống và thức ăn rất dễ mua và giá cũng rẻ, nhưng từ năm 2013 đến nay thì nguồn cá giống ít dần và cá làm thức ăn cũng tăng giá do nguồn lợi ngư dân khai thác kém hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm vẫn phụ thuộc vào người thu mua từ Kiên Giang, giá cả không ổn định, số lượng xuất không được nhiều, nhất là không xuất được cá còn sống do khâu vận chuyển từ đảo vào đất liền xa, hoặc không có phương tiện nuôi dưỡng cá, nên giá thành thấp hơn ở các địa phương khác.
Ông Lê Tứ Phương cho biết, hiện nay cuộc sống của cư dân trên đảo chủ yếu phụ thuộc vào nghề nuôi cá bớp trong lồng bè và buôn bán nhỏ cho các phương tiện đánh bắt trên biển vào neo đậu tránh sóng. Đầu tư 1 lồng cá nuôi được 400 con trong 6 tháng phải chi phí khoảng 300 triệu đồng. Nếu nuôi đạt đầu con, bán được giá thì có lời khoảng 200 triệu đồng, nhưng phải trả lãi xuất 10% thì coi như hoà vốn.
Với điều kiện môi trường, con giống và thức ăn tại chỗ, nghề nuôi cá bè ở đảo Hòn Chuối đang có nhiều triển vọng cần được đầu tư và phát triển. Những người nuôi cá ở đây đều mong muốn các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau cần khảo sát, quy hoạch, thành lập hợp tác xã, đầu tư kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Được như vậy, cư dân càng thêm gắn bó với đảo xa và có thể có thêm nhiều hộ dân trong đất liền ra đảo lập nghiệp, bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió góp phần cùng các lực lượng vũ trang xây dựng phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc
Anh Vy