【bongdalu.com vn】Bảo lãnh nộp thuế ngăn ngừa tình trạng gian lận nợ thuế
Góp ý về thời hạn bảo lãnh hàng hoá XNK, ý kiến của Uỷ ban Tài chính Ngân sách và đại biểu Quốc hội đề nghị rút ngắn hơn nữa thời hạn bảo lãnh ( dự thảo Luật Quản lý thuế quy định 275 ngày), tuy nhiên có ý kiến nhất trí với dự thảo là 275 ngày để không gây khó khăn cho sản xuất của các DN, nhất là các DN trong lĩnh vực gia công hàng XK.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng yêu cầu có bảo lãnh sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến XK. Có ý kiến lại đề nghị cần bổ sung quy định để điều chỉnh mối quan hệ giữa người nộp thuế và tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh; chế tài xử lý khi tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh vi phạm.
Về các trường hợp áp dụng bảo lãnh: có ý kiến đề nghị không áp dụngbảo lãnh nộp thuế đối với hàng tiêu dùng. Đồng thời, bổ sung thời hạn nộp thuế đối với tạm xuất, tái nhập và thống nhất với quy định của Luật Thuế XNK.
Trước các ý kiến này, Tổng cục Hải quan cho biết, đây là nội dung có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều đồng tình với dự thảo vì nội dung sửa đổi đã bảo đảm cân đối giữa lợi ích người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Bởi, thực hiện cơ chế bảo lãnh, không cho ân hạn thuế như hiện hành sẽ ngăn ngừa tình trạng trây ỳ nợ thuế, khắc phục các bất hợp lý trong thời gian qua, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hơn thế nữa, với mức phí bảo lãnh không cao, DN được trừ chi phí, đồng thời DN NK nguyên liệu sản xuất XK cũng đã được hưởng lợi từ việc sử dụng luồng tiền thuế thực chất là chậm nộp mà không phải trả lãi chậm nộp (như các DN NK hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng bình thường là 0,07%/ngày), nên một mặt vẫn đảm bảo lợi ích của DN, mặt khác góp phần đảm bảo lợi ích chung về chống gian lận nợ thuế (theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số nợ thuế chuyên thu lũy kế từ năm 1987 đến 30-4-2012 khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, số lượng cán bộ làm nhiệm vụ quản lý thuế của toàn ngành Hải quan khoảng hơn 500 người).
Dự thảo Luật vẫn giữ thời hạn 275 ngày như hiện hành đối với nguyên liệu NK sản xuất XK nhưng đây không phải là thời hạn ân hạn thuế như Luật hiện hành mà là thời hạn bảo lãnh tối đa, để các sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài như nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, cơ khí, lắp ráp... không bị ảnh hưởng, nếu sản phẩm có chu kỳ sản xuất ngắn hơn, thì tùy theo khả năng và điều kiện, để giảm chi phí, DN sẽ lựa chọn thời hạn bảo lãnh phù hợp. Nếu rút ngắn thời hạn này sẽ gây ảnh hưởng tác động đến các DN sản xuất có chu kỳ sản xuất dài, đặc biệt trong giai đoạn khi các DN gặp khó khăn trong cạnh tranh XK.
Cũng với đó, dự thảo Luật quy định tách biệt hành vi chậm nộp của tổ chức bảo lãnh với hành vi chậm nộp của DN để các bên giám sát lẫn nhau đồng thời bảo đảm tiền thuế được nộp vào ngân sách.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng bổ sung: Pháp luật hiện hành đã quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc bảo lãnh, cụ thể như: Điều 369 Bộ Luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14-6-2005 đã quy định: “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh”, Mục 2 Chương VIIII Luật Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16-6-2010 quy định các trường hợp tổ chức tín dụng bị giải thể, phá sản, tổ chức lại cũng phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán hết nợ và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận...
LuậtQuản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn: Điều 42, Điều 114 Luật Quản lý thuế đã quy định chế tài xử lý khi tổ chức bảo lãnh có vi phạm: người bảo lãnh phải nộp tiền thuế, tiền phạt thay cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không nộp tiền thuế hoặc vi phạm pháp luật; điều 16 Nghị định 98/2007/NĐ-CP ngày 07-06-2007 của Chính phủ cũng đã quy định: “Ngân hàng Thương mại, Tổ chức tín dụng không trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế khi có đủ số dư thì bị cơ quan Thuế lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt số tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển và NSNN”.
Mức phạt hoặc chi phí tiền nộp chậm được thực hiện theo các chế tài xử phạt (ví dụ: nộp chậm quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế...), đã có tính luỹ tiến.
Đối với hàng tiêu dùng, mục đích quy định bảo lãnh nộp thuế là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong điều kiện thiếu vốn nhưng vẫn NK được hàng hóa, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý thuế vẫn thu được tiền thuế vào NSNN (do đã bảo lãnh số tiền thuế phải nộp). Trong thời hạn bảo lãnh, hàng tiêu dùng vẫn phải nộp tiền chậm nộp 0,07%/ngày.
Về quy định thời hạn nộp thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất, hiện trong dự thảo đã có quy định hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất, thời hạn bảo lãnh (cũng là thời hạn nộp thuế) tối đa là 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa. Theo Tổng cục Hải quan, quy định này là thống nhất với quy định trong Luật Thuế XNK.
Thu Trang