Nhận diện các chiêu thức lừa đảo qua mạng
Ngày 19/9 tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo ‘‘Bảo vệ tài khoản ngân hàng thế nào để không sập bẫy lừa đảo’’. Tại hội thảo, đại diện cơ quan chức năng, chuyên gia đã tập trung giới thiệu những thủ đoạn tinh vi mới của tội phạm, những giải pháp nhằm giúp người dân có nhiều thông tin, để tự bảo vệ mình, đồng thời đưa ra những lời khuyên, những kiến nghị nhằm ngăn chặn loại tội phạm này, để xây dựng một xã hội an toàn cho người dân.
Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, hàng loạt thông tin phản ánh tới Báo Tuổi Trẻ gần đây cho thấy, có một hình thức lừa đảo mới xuất hiện tại một số ngân hàng thương mại mà chưa được nhiều người nhận biết. Đó là kẻ gian lợi dụng quyền trợ năng (Accessibility) trên một số ứng dụng điện thoại, qua đó đánh cắp thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã PIN, OTP, rồi chiếm quyền điều khiển từ xa để lấy cắp tiền trong tài khoản.
Tăng cường phòng, chống gian lận Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, các ngân hàng thương mại cần tăng cường phòng, chống gian lận như: Tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật cũng như các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý; tăng cường công tác nhận biết, xác minh thông tin khách hàng, đảm bảo việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán do chính chủ tài khoản thực hiện. |
"Dù thời gian qua, các cơ quan chức năng như Bộ Công an, đơn vị cung cấp dịch vụ là ngân hàng thương mại, rồi cơ quan truyền thông là báo đài liên tục cảnh báo về hình thức, thủ đoạn, chiêu trò của tội phạm mạng hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dùng, nhưng đáng lo ngại là thực tế đã có không ít người tiêu dùng thiếu cảnh giác click vào đường link giả mạo, cung cấp mã OTP, mật khẩu… cho kẻ gian. Nên chỉ trong vài phút, tiền trong tài khoản của họ đã bị tội phạm chiếm đoạt.…" - ông Toàn nói.
Theo chia sẻ của Thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng phòng 4 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đang tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, có xu hướng thay đổi về phương thức, thủ đoạn. Đó là các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán thẻ, tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật, sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mua bán tài khoản ngân hàng.
"Thủ đoạn phổ biến là tội phạm giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (APP) giả mạo trên điện thoại. Sau đó, chúng âm thầm kiểm soát điện thoại, rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt tiền của người dùng’’ - ông Hùng nói.
Ông Hùng dự báo trong thời gian tới, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, có xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học, công nghệ như Deepfake, Deepvoice để thực hiện hành vi phạm tội. Các ngân hàng và người dùng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm. Đối với ngân hàng, các đối tượng rà quét, tấn công hệ thống, dò tìm, khai thác lỗ hổng bảo mật, tấn công mã độc... Đối với khách hàng của ngân hàng, các đối tượng liên tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phối hợp để tăng hiệu quả phòng tránh
Đại diện Bộ Công an đề nghị các ngân hàng tiếp tục tăng cường phối hợp Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để xây dựng quy trình phối hợp và thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật từ công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, có kết nối liên thông với Ngân hàng Nhà nước, NAPAS, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, phục vụ ngăn chặn sớm dòng tiền vi phạm pháp luật.
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên. Trong đó, cần nâng cao nhận thức cho khách hàng như tuân thủ các nguyên tắc an ninh bảo mật theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, chủ động bảo vệ bí mật các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản; nâng cao kiến thức và kỹ năng trong đăng ký, sử dụng dịch vụ để bảo vệ chính tài sản của mình; tuyệt đối không thuê, cho thuê, trao đổi, mua bán, tiết lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản dưới mọi hình thức để tránh các trường hợp bị lợi dụng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng theo hướng sẽ quy định hạn mức giao dịch phải xác thực bằng sinh trắc học để xác định người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước: Lừa đảo trực tuyến đang phát triển mạnh Lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng. Kênh lừa đảo chủ yếu: tin nhắn SMS (33%), điện thoại (29%), email (22%), Internet (6%), mạng xã hội (6%). Nhóm tuổi có nguy cơ bị lừa đảo cao nhất là trên 65 (chiếm trên 25% số báo cáo và thiệt hại), và nhóm 55-64 tuổi. Tại Việt Nam các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm: đối tượng lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm. Chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra. Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại diễn ra khá phổ biến thời gian qua. .. Ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Hãng Kaspersky tại Việt Nam:Chưa nhiều người cài ứng dụng bảo vệ điện thoại Trong khi các ngân hàng đều trang bị đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn từ hệ thống vận hành cho đến việc đảm bảo an toàn giao dịch của khách hàng, thì người dùng lại trở thành mắt xích yếu nhất khi họ không có một biện pháp hay một trang bị nào để phòng, chống các chiêu thức lừa đảo. Cụ thể là số lượng người dùng đang cài đặt ứng dụng bảo vệ điện thoại cũng như ứng dụng chống gian lận thanh toán là không nhiều. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ người dùng bị lừa đảo rất cao, do quy trình lừa đảo hiện nay rất tinh vi. Kẻ lừa đảo có thể tiến hành mua các công cụ liên quan đến hoạt động lừa đảo từ tài khoản dùng để lừa đảo đến công cụ và thậm chí cả đối tượng tiềm năng có thể bị "sập bẫy". Cụ thể, bằng cách tác động trực tiếp đến tâm lý con người, xây dựng các mối quan hệ có chủ đích. Tội phạm thường che giấu danh tính và động cơ thực sự bằng một vẻ ngoài đáng tin cậy khiến cho đối phương mất cảnh giác, từ đó dễ dàng xâm nhập các sơ hở. Các ngân hàng vì thế nên tập trung biện pháp cho chính khách hàng của mình, có thể bằng một phần mềm hoặc công cụ trên chính thiết bị của khách hàng. |