Trao đổi với phóng viên tại London, ông Scriven nêu rõ mức tăng trưởng này là nhờ vào sức mua tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, cũng như sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt về ổn định chính trị xã hội, ổn định chính sách vĩ mô, chính sách kinh tế, chính sách đầu tư, sự cởi mở và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Dragon Capital cho rằng các động lực bên trong của nền kinh tế Việt Nam tương đối cân đối, cân bằng và tương đối mạnh: từ sức cầu trong dân, sức mạnh của doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, khả năng cạnh tranh của Việt Nam tới các Hiệp định thương mại tự do giúp mở ra thị trường mới cho Việt Nam. Ông nhấn mạnh Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế mới và mạnh, có vị thế mới được công nhận trên trường quốc tế. Theo ông, trong các nước Đông Nam Á hiếm thấy một đất nước ổn định như Việt Nam.
Chuyên gia Anh lưu ý năm 2022, trong khi sự bất ổn trên toàn cầu chủ yếu là do khủng hoảng lương thực và năng lượng, Việt Nam dường như không chịu tác động quá lớn. Về lương thực, Việt Nam là một nhà sản xuất lớn và tương đối ổn định, mặc dù khó có thể kiểm soát đầy đủ giá cả và khối lượng cũng như khả năng hoạt động của các thị trường. Về năng lượng, Việt Nam có khả năng sản xuất năng lượng tương đối, trong khi lượng nhập khẩu xăng dầu không quá lớn so với quy mô của cả nền kinh tế.
Một điểm mạnh nữa của kinh tế Việt Nam, theo ông Scriven, là trong khi đồng USD tăng giá ảnh hưởng tới sức bền của nền kinh tế các nước đang phát triển do những nước này thường vay hoặc nhập khẩu bằng USD, Việt Nam ghi nhận tài khoản thanh toán dương, tài khoản vãng lai dương, đảm bảo dự trữ ngoại hối và quan trọng là vay nước ngoài không quá lớn.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol (Anh), cũng cho rằng từ đầu năm tới nay Việt Nam đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với mức lạm phát thấp, khoảng 3%, thấp hơn so với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu, vốn đã tiệm cận mức lạm phát trên 10%.
Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, cụ thể là đẩy mạnh chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là chi tiêu công trong các lĩnh vực như đầu tư phát triển hạ tầng, điện năng, chống biến đổi khí hậu... Ngoài ra, cần thúc đẩy cải cách thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nhiều hơn để khởi nghiệp những mô hình mới (mô hình sandbox) tại lĩnh vực Fintech cũng như nhiều lĩnh vực khác. Điều này sẽ giúp dòng vốn lưu thông hiệu quả hơn, đồng thời đóng vai trò thử nghiệm đầu tư vào công nghệ mới để Việt Nam có thể bắt kịp thế giới.
Ông Scriven chia sẻ mặc dù hiếm có nước nào thu hút được đầu tư nước ngoài cao so với GDP như Việt Nam, Việt Nam không nên chủ quan và cần tiếp tục cải thiện thị trường lao động, thị trường bất động sản, các quy định liên quan đến thương mại, thị thực và chuẩn mực kế toán…Ông cũng chỉ ra cơ hội đối với Việt Nam trong bối cảnh các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang được cơ cấu lại và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang chú ý tới Việt Nam, hiện được coi là một trung tâm sản xuất cho thị trường châu Á.
Đánh giá về mối quan hệ thương mại Việt Nam - Anh, ông Scriven nêu rõ tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực dịch vụ, nhấn mạnh Anh là một nền kinh tế tương đối lớn, nhưng không sản xuất nhiều mà có thế mạnh về dịch vụ như giáo dục, kế toán, ngân hàng, bảo hiểm.