Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức,Điểmtựanhữnghoncảnhđặcbiệtkhkhăgiải hạng 2 anh hôm nay mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, nhiều hộ nghèo ở huyện Long Mỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện ổn định cuộc sống.
Mẹ con bà Huỳnh Thị Phượng, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, phấn khởi hơn nhờ sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Huyện ủy.
Gia đình thuộc hộ nghèo, nhà không có ruộng đất sản xuất, thu nhập phụ thuộc vào mớ rau, mớ ốc kiếm được mỗi ngày… là hoàn cảnh của gia đình bà Ngô Thị Ửng, ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn. Cách đây không lâu bà Ửng còn phát hiện mình bị bệnh liên quan đến dạ dày. Bà Ửng tâm sự: “Mùa này hái rau đâu có, mò cua, bắt ốc cũng bữa được bữa không, nên tôi trồng sả xung quanh nhà để kiếm thêm thu nhập. May nhờ Tòa án nhân dân huyện nhận đỡ đầu hỗ trợ mỗi tháng, nên mẹ con tôi mới có tiền mua gạo, mua đồ ăn và mua thuốc để tôi điều trị bệnh. Rất mừng là ở địa phương cũng quan tâm cho gạo, nhu yếu phẩm cần thiết, nhờ đó cuộc sống mẹ con tôi đỡ hơn”. Bà Ửng đang sống cùng đứa con gái học lớp 4, trong căn nhà lá. Chồng bà Ửng làm nghề giữ vịt mướn, rất ít khi về nhà chăm sóc hai mẹ con bà.
Với hai mẹ con bà Huỳnh Thị Phượng, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, nhờ được Ban Tuyên giáo Huyện ủy hỗ trợ mỗi tháng, đã giúp mẹ con bà có niềm tin chống chọi bệnh tật. Bà Phượng chia sẻ: “Tôi bị cụt một chân, còn đứa con trai duy nhất cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam, cháu đã 31 tuổi, nhưng ngây dại như đứa trẻ. Nhà không có ruộng đất, nhà cửa gì, nên trước giờ phải ở đậu nhà của em trai. Từ khi cưa chân đến nay, hầu như tôi không thể làm thuê, làm mướn được cho ai. Thu nhập chủ yếu của hai mẹ con dựa vào tiền bán lá chuối, xỏ kẽm làm lồng đèn cho người ta thôi. Mấy chú ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy hỗ trợ cho hai mẹ con tôi mỗi tháng, tôi biết ơn lắm”.
Cách đây 18 năm, do bị bệnh ở chân, nên bác sĩ yêu cầu bà phải cưa chân để tránh bị di căn lên các bộ phận khác của cơ thể. Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, con trai lại mắc bệnh, rồi chồng bà cũng chia tay. Hiện nay, mỗi ngày mẹ con bà Phượng xỏ kẽm kiếm tiền, trung bình mỗi ngày chỉ được 4-5kg kẽm, với giá 2.000 đồng/kg.
Qua Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đã có 151 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các chi bộ, đảng bộ trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu, hỗ trợ từ 200.000-300.000 đồng/tháng. Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Long Mỹ, cho biết: “Qua sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các chi bộ, đảng bộ các cấp trên địa bàn huyện đến nay, các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương đã phần nào giảm bớt được khó khăn. Trong 151 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu, hiện có 70 hộ đã vươn lên có cuộc sống ổn định hơn. Năm 2019 này, chúng tôi dự kiến sẽ thay bằng hình thức hỗ trợ một lần, để các hộ nghèo có thể sử dụng vốn phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như chăn nuôi, trồng trọt… phù hợp”.
100% chi bộ, đảng bộ ban, ngành cấp huyện, cấp xã đã đỡ đầu cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cấp huyện đỡ đầu được 32 hộ, cấp xã đỡ đầu được 119 hộ. Với sự hỗ trợ kịp thời này, sẽ giúp các gia đình ngày càng ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: AN NHIÊN