Theo bà Sayeh, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, song sự bùng phát trở lại các ca lây nhiễm đang trì hoãn đà phục hồi và kịch bản thất bại có thể xảy ra.
Bà Sayeh nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đặt cuộc khủng hoảng y tế hiện nay dưới sự kiểm soát với hoạt động đầu tư quốc tế vào sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, tiếp tục hỗ trợ tài chính để ngăn chặn tình trạng phá sản, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và thân thiện với môi trường.
Bà Sayeh đánh giá cao tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển vắc-xin ngừa COVID-19, song lưu ý hợp tác quốc tế là cần thiết để sản xuất, mua và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19 cho tất cả các nước, kể cả những nước nghèo hơn.
IMF ước tính việc chia sẻ nhanh chóng và rộng rãi tiến bộ về các giải pháp y tế có thể giúp thu nhập toàn cầu tăng thêm gần 9.000 tỷ USD trong 5 năm tới, qua đó thu hẹp khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa các quốc gia.
Theo bà Sayeh, điều quan trọng là tiếp tục hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình, duy trì và tăng cường trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư vào hạ tầng số và thân thiện với môi trường sẽ đặt nền tảng bền vững hơn và tăng trưởng bao trùm trong tương lai./.
Theo TTXVN