(CMO) "Mỗi mùa Vu lan về, cài đoá hoa trắng lên ngực áo là bùi ngùi nhớ đến tích Mục Liên tìm mẹ. Tất nhiên không bao giờ làm được như người xưa, nhưng chữ báo hiếu luôn được liên tưởng một cách tường tận, lòng cứ ước hoài: giá như mình có cơ hội được báo hiếu như thế thì vui biết mấy! Càng đi qua những vinh quang, danh tiếng trong nghề hát bao nhiêu thì nỗi nhớ cha mẹ lại càng đầy thêm bấy nhiêu", NSƯT Minh Hoàng cố nén giọt nước mắt chực rơi.
Nghiệp cầm ca đã làm nên tên tuổi, sự ái mộ của công chúng, nhưng cũng chính nơi này vô tình cuốn luôn cơ hội để ông cận kề báo hiếu cha mẹ những ngày cuối cùng, dẫu biết đời người không ai tránh khỏi quy luật mất còn, nhưng mỗi khi cài đoá hồng phai sao nghe lòng đau nhói...
Câu hát chở đầy nghĩa mẹ công cha
Xa gia đình từ hồi 16 tuổi để đi theo ánh đèn màu sân khấu, hành trang khi ấy chỉ vỏn vẹn là chất giọng trong trẻo trời phú cùng niềm đam mê chân phương. Khó khăn của đời "gạo chợ nước sông" là gì ông cũng chẳng cần để ý, miễn là được hát. Bởi vậy, cảm giác bịn rịn chia xa gia đình để theo Đoàn hát Ánh Trăng như thế nào, chàng kép tài danh một thuở chẳng thể hình dung, chỉ nhớ rằng cha mẹ tuy kiệm lời nhưng ủng hộ đứa con trai duy nhất hết mực, những đêm vãn hát về nhà thoáng chốc, nén niềm thương, cha luôn thủ thỉ: "Làm người khó lắm nghe con, phải lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường, nhu nhược thắng cương cường".
Mỗi mùa Vu lan về, NSƯT Minh Hoàng lại thổn thức khi cài trên áo một đoá hồng phai. |
Vậy rồi từ Đoàn Ánh Trăng, tiếng ca chàng kép trẻ được săn đón lần lượt qua các Đoàn Rạng đông Mỹ Lệ, Kim Chung (đoàn cải lương thuộc hàng đại bang tại Sài Gòn), Xuân Liên Hoa, rồi lọt vào mắt xanh của ông bầu Thu An, được ký hợp đồng mời về làm kép chánh của Đoàn Cải lương Hương mùa thu, hợp diễn với NSƯT Ngọc Hương, cô đào chánh nổi tiếng lừng lẫy trên sân khấu Sài Gòn lúc bấy giờ. Những tưởng cố gắng đi hát, tạo được tên tuổi đối với khán giả sẽ có nhiều cơ hội làm vui lòng cha mẹ, nhưng rồi lực hấp dẫn của đèn màu sân khấu, của phù hoa đô hội cuốn luôn những lời hẹn lần lựa trở về.
Có lần, người mẹ vì quá nhớ thương "thằng con kép hát", phải lặn lội lên Sài Gòn, vào rạp Olympic (nay là Nhà Văn hoá Thanh niên TP Hồ Chí Minh) tìm thăm. Hình ảnh người mẹ tảo tần tay xách lỉnh kỉnh gạo, ốc... lên thăm con cứ khắc sâu vào miền nhớ chẳng phôi phai.
Mãi đến sau ngày giải phóng mới có dịp về lại Tắc Sậy thăm nhà, Minh Hoàng chợt giật mình khi cuộc sống gia đình vốn khá giả nay dần suy sụp, chỉ trông cậy vào tiệm tạp hoá nhỏ để đắp đổi. Mới đây thôi mà sao cha mẹ mình già nhanh quá. Lòng ông tự nhủ: "Đã đến lúc mình phải về để đỡ đần cho tròn chữ hiếu". Đồng tiền thù lao ít ỏi từ những suất hát chầu của các đoàn tư nhân tạm là niềm an ủi, nhưng rồi một lần nữa nghề hát cuốn bước chân ông khi năm 1977 Minh Hoàng cùng những nghệ sĩ tên tuổi của Sài Gòn như Diệu Hiền, Minh Sang, Loan Thảo... được mời về đầu quân cho Đoàn Cải lương Hương Tràm. Sở hữu dáng vấp phong độ, gương mặt điển trai cùng giọng ca sáng nên Minh Hoàng thường thủ những vai kép chánh và nhanh chóng ghi đậm dấu ấn với hàng loạt vở tuồng: "Giọt máu oan cừu", "Tìm lại cuộc đời", "Nụ cười Tây Hậu", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Nhớ mùa trăng xưa"...
Những suất hát cứ dày đặc. Thời đó khán giả ủng hộ cải lương đông lắm, mỗi đêm bán vé cứng rạp, mình lại là kép chánh, vắng một đêm là ảnh hưởng đến doanh thu cả đoàn nên rất hiếm khi có một ngày nghỉ trọn vẹn với gia đình. Thương cha mẹ đứt ruột, khi con trai mình đã là nghệ sĩ có tiếng, mừng cho con nhưng ông bà không bao giờ ra mặt vì sợ tiếng khoe khoang, thậm chí cả hành trình dài đi hát, cha ông chưa một lần đến rạp để xem con mà chỉ nén niềm vui mỗi khi nghe ai đó khen "Minh Hoàng hát hay quá!". Có lần đoàn về Rau Dừa biểu diễn, mẹ vẫn chèo xuồng đến nơi, mua vé coi hát như những khán giả bình thường. Lần khác, chiếc xuồng nhỏ lại lặng lẽ cập bến, đợi vãn hát chờ bước chân Minh Hoàng xuống ăn nồi cháo gà sực nóng, chẳng bao giờ cất tiếng khen, mà đâu đó trong câu chuyện cứ vỗ về "phải khiêm tốn, đối nhân xử thế cho đàng hoàng nghen con!".
Khi tên tuổi ngày càng được công chúng mến mộ, trên vùng trời nghệ thuật thoả sức thăng hoa ấy, NSƯT Minh Hoàng thổn thức hoài chuyện tiếng ca, nét diễn mang đầy nghĩa mẹ, ơn cha cũng là lúc thời gian càng làm phôi pha mái đầu bạc hai đấng sinh thành...
Thương sao chuyện "kép tư bền"
Một chiều cuối thu năm 1983, Đoàn Hương Tràm chuẩn bị cho đêm hát với vở cải lương "Nụ cười Tây Hậu", NSƯT Minh Hoàng chợt nhận được thông báo mẹ đã mất từ tối hôm qua. Tim đau nhói như có vết dao cứa vào khi mình còn chưa kịp nuôi mẹ bệnh ngày nào. "Thôi thì tuỳ vào Nghệ sĩ Minh Hoàng quyết định vậy. Ở cũng được, mà về cũng được", một cuộc hội ý của ban lãnh đạo đoàn được lập ngay sau đó.
Lòng rối như tơ vò, tâm trí đâu để hát nhưng ngặt nỗi vé đã bán hết, khán giả đang mong đợi thưởng thức, nếu mình về thì đoàn buộc phải trả vé, ảnh hưởng tới chén cơm chung của cả tập thể. Sau những đắn đo lần lựa, nuốt nước mắt vào lòng quyết định ở lại, đêm đó ông bước lên sân khấu với vai diễn kép lẳng, có ai biết rằng sau mỗi lớp diễn, bức màn nhung lại cất vào những giọt nước mắt tuôn trào. Rồi khi hoàn thành nhiệm vụ, về tới nhà đúng 12 giờ trưa hôm sau thì chỉ còn vỏn vẹn 15 phút nữa là chôn mẹ. Đứng trước quan tài, nỗi nghẹn ngào không bật được thành tiếng khóc, ngày con đi hát có bàn tay mẹ vỗ về, đến ngày trở về đã không được nhìn thấy mặt, không nói được tiếng buồn thương mà mảnh khăn tang cũng không có cơ hội đội lâu cho ấm quan tài đấng sinh thành, ngay hôm sau lại lên đường tiếp tục hành trình "khóc mướn thương vay" mua vui cho đời.
Nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai, 2 năm sau lại đến nỗi đau mất cha. Lạ một điều, tin cha mất cũng đúng vào thời điểm đoàn diễn vở "Nụ cuời Tây Hậu", vẫn vai lẳng với những nét diễn đầy nước mắt giấu ngược vào trong. "Giá như khi ấy được hoá thân vào một vai kép bi chắc sẽ diễn đạt lắm", ông nghẹn ngào.
Hai lần trở về trong hoàn cảnh ấy khắc sâu vào dòng nhớ NSƯT Minh Hoàng. Khi chống chiếc xuồng con chông chênh len lỏi vào kinh nhỏ, hàng xóm chạy ra đón đứa con trễ hẹn. "Người ta là tướng tá mà tới lúc cha mẹ chết người ta còn có mặt đúng lúc. Còn mày là thằng nghệ sĩ thôi mà, sao ngày cha mẹ chết mày lại không về được"... Những lời trách móc của người cậu ruột như bóp nghẹt trái tim.
Biết giải thích sao cho hết những đắng cay mà mình phải chịu, những lời trách móc chỉ đau một nhưng tội bất hiếu đau đến gấp trăm lần, nên giây phút động quan ông chỉ biết đi trước nằm lót đường để đạo tỳ khiêng quan tài cha mẹ bước qua tới huyệt. Đó là cách duy nhất ông có thể làm gọi là báo hiếu.
Trong từng câu chuyện lần lượt điểm lại là nỗi đau đến suốt cuộc đời, là hình ảnh cha mẹ không bao giờ phai trong ký ức, là cuộn phim quay chậm được phát lại y hệt hôm nào. "Hồi đó cha mẹ sanh mình ra, nuôi lớn lên, cho một cái tên góp vào đời đã khổ lắm rồi, mà mình cũng không lo được gì, cứ mải miết những đêm hát, sống với vở tuồng, vai diễn. Để khi đi qua những vinh quang, nhìn lại cũng không còn ý nghĩa nữa, muốn báo hiếu có chăng chỉ bằng cách xây đẹp những bia đá vô tri. Bởi vậy, ai còn mẹ đừng làm mẹ khóc, ai còn cha đừng để cha buồn...", NSƯT Minh Hoàng nở nụ cười gượng như cố xua đi nỗi chua chát trong lòng, ngẫm phận mình cũng như "Kép Tư Bền" của Nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ở tuổi ngấp nghé 70, một lần nữa ông nghe trái tim siết lại khi ngực áo cài một đoá hồng phai...
Minh Hoàng Phúc