【lich thi đấu bóng hôm nay】Thông điệp, bản sắc văn hóa được truyền tải qua nghệ thuật múa

 Một trong những tiết mục nằm trong chương trình liên hoan được trình diễn trong đêm bế mạc

Đó là nhận định của Hội đồng giám khảo tại buổi lễ bế mạc Liên hoan Múa Quốc tế 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào tối 21/8, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thừa Thiên Huế (41A Hùng Vương, TP. Huế).

Mang đậm màu sắc văn hóa của các quốc gia

Liên hoan múa lần này diễn ra trong 4 ngày với sự hội tụ của gần 500 nghệ sĩ, diễn viên đại diện cho 9 quốc gia, gồm: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia, Vương quốc Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malaysia và nước chủ nhà Việt Nam.

Đến dự lễ bế mạc, có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, cùng đông đảo khán giả.

Trước khi công bố trao giải, các tiết mục múa xuất sắc của liên hoan đã được các nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật lần lượt trình diễn.

Phát biểu tại đêm bế mạc, ông Tạ Quang Đông nhận định, liên hoan với nhiều tiết mục nghệ thuật múa đặc sắc, đa dạng như kịch múa, múa truyền thống, múa dân gian, múa đương đại... đã được các nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam và các nước bạn thể hiện sinh động, cống hiến, lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng, các giá trị tiêu biểu trong nghệ thuật múa của mỗi dân tộc. Từ đó, tạo sự hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và sự tinh tế trong nghệ thuật múa nói riêng và nghệ thuật biểu diễn của các quốc gia nói chung.

Theo ông Đông, bên cạnh những thành công của các tiết mục, phần biểu diễn được đầu tư công phu cả về kịch bản, biên đạo, dàn dựng, âm nhạc và kỹ thuật trình diễn… vẫn còn một số tiết mục biểu diễn chưa được đầu tư, quan tâm kỹ lưỡng về mặt chuyên môn và các điều kiện thực hiện.

 Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho 5 tiết mục xuất sắc

Ông Đông hy vọng, trong các kỳ liên hoan tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật tham dự liên hoan cần tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa về con người và cơ sở vật chất cho các tiết mục, có chính sách đãi ngộ để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này. “Đối với một số tiết mục, giữa phần kỹ thuật sân khấu, âm nhạc và phần trình diễn của nghệ sĩ, diễn viên cần biên đạo, dàn dựng, tập luyện nhuần nhuyễn hơn, sáng tạo hơn; đồng thời, tăng cường các tiết mục mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, gắn với bản sắc văn hoá của mỗi quốc gia”, ông Đông nhận định.

Từ những tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa đến từ đoàn Indonesia, những tiết mục sôi động của đoàn Malaysia và Lào, sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam với múa dân gian dân tộc Ấn Độ hay những tiết mục tập thể mang đậm bản sắc văn hóa dân gian dân tộc của đoàn nghệ thuật Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Philippines, Campuchia có thể thấy được sự đầu tư trong khâu biên đạo đến từ các đoàn nghệ thuật quốc tế.

Các đoàn nghệ thuật của Việt Nam đã đạt được thành công nổi bật

Ban Tổ chức công bố 5 tiết mục xuất sắc được trao Huy chương Vàng, gồm:Họa tình nhân gian (Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Việt Nam), The Harvest (Đoàn Nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), Contemporary dance “Jagad Jiwa” (Đoàn Nghệ thuật nước Cộng hòa Indonesia), Nàng mây (Học viện múa Việt Nam) và Lý ngư vọng nguyệt (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, Việt Nam). Ngoài ra, còn có 10 tiết mục khác được trao Huy chương Bạc.

 Nghệ sĩ các đoàn chụp ảnh lưu niệm trong đêm bế mạc

NSND Nguyễn Công Nhạc, Chủ tịch Hội Đồng giám khảo liên hoan nhận định, các biên đạo, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã nỗ lực truyền tải những câu chuyện, thông điệp, bản sắc văn hóa của nước mình thông qua sự sáng tạo, kết hợp các thể loại múa trong tác phẩm và ngôn ngữ hình thể của múa.

Với các đoàn nghệ thuật Việt Nam, theo ông Nhạc, đã đạt được những thành công nổi bật thông qua các chương trình biểu diễn và các tác phẩm múa độc lập. Những thành tựu đặc biệt này đến từ một số nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp cùng với các đơn vị đào tạo nghệ thuật hàng đầu như Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Các tác phẩm được trình diễn đã tập trung vào các chủ đề và chất liệu múa dân gian của các dân tộc, vùng miền khác nhau, đồng thời kết hợp tinh tế với múa hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và múa góp phần tạo ra những tác phẩm đột phá với chất lượng nghệ thuật cao. Để đạt được những thành công này, cần ghi nhận sự sáng tạo và tài năng của thế hệ biên đạo và các diễn viên múa trẻ, gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu múa, bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Quá trình sáng tạo các tác phẩm về đề tài văn hóa tín ngưỡng, các tác giả, biên đạo và nhạc sỹ cần lưu ý tránh lạm dụng thủ pháp và ngôn ngữ múa hiện đại. Việc này nhằm đảm bảo rằng, ý nghĩa của tác phẩm không bị giảm sút và không chỉ còn là sự tái hiện hình thức nghi lễ theo tư duy chủ quan của tác giả. Ngoài ra, việc lạm dụng yếu tố, động tác của múa đương đại làm mất đi tính dân tộc, yếu tố tâm lý, tình cảm của người Việt trong tác phẩm.

“Bên cạnh đó, các tác giả, biên đạo cần lưu ý kết cấu các tác phẩm kịch múa, thơ múa cần rõ ràng và phải hiểu phương pháp, thủ pháp, xây dựng hình tượng nhân vật. Đối với những tác giả xây dựng tác phẩm lớn, có đề tài, cốt truyện cần lưu ý vấn đề về ý tưởng, hình tượng nhân vật, kết cấu, bố cục, đặc biệt là ngôn ngữ động tác để không chỉ phát huy tài năng, kỹ thuật của các diễn viên mà còn thể hiện rõ chủ đề, tư tưởng của nhân vật, tác phẩm”, NSND Nguyễn Công Nhạc nhận xét.