【kết quả latvia】Biên giới Tây Nguyên: Pháo nổ, gỗ lậu vẫn lén lút vào nội địa

bien gioi tay nguyen phao no go lau van len lut vao noi dia

Pháo lậu do Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y bắt giữ ngày 16-1. Ảnh: Đ.N.

Mặc dù hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua tuyến biên giới Tây Nguyên không ồn ào, sôi động với nhiều mặt hàng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp với mặt hàng pháo và gỗ lậu.

Pháo vẫn “ nổ”

Những ngày giáp tết Bính Thân 2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y (Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum) đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo qua cửa khẩu. Chỉ riêng trong ngày 16-1 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phát hiện 2 vụ vận chuyển pháo. Qua nghi vấn, lực lượng Hải quan đã phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y tiến hành kiểm tra 2 xe gắn máy từ Lào về Việt Nam gồm xe biển kiểm soát 18F-9145 do bà Lê Thị Hiên và xe mang biển kiểm soát 82E1- 03363 do bà Vũ Thị Hoa cùng ngụ tại Ngọc Hồi - Kon Tum điều khiển. Qua kiểm tra đã phát hiện 2 đối tượng cất giấu trong 2 cốp xe tổng cộng 9 hộp pháo với tổng trọng lượng 19 kg, nhãn hiệu Dragon sky và HAPPY BOOM. Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã bàn giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y xử lý theo quy định.

Trước đó vào tháng 12-2015, đơn vị này cũng đã liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển pháo qua cửa khẩu. Cụ thể ngày 15-12-2015, tại Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lực lượng Hải quan và Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã bắt giữ vụ vận chuyển trái phép gần 30kg pháo qua biên giới khi kiểm tra ô tô khách biển kiểm soát 77B-00549 làm thủ tục tái nhập cảnh từ Lào về Việt Nam. Số pháo trên gồm 6 hộp nhãn hiệu JINSEPUBU, 6 hộp nhãn hiệu PRETTYSCENE, 4 hộp nhãn hiệu THOUNDER STAR và 118 hộp nhỏ hình bao diêm có xuất xứ từ Trung Quốc. Qua đấu tranh, lực lượng Hải quan đã xác định số pháo trên của đối tượng Võ Thị Trinh, sinh năm 1982, quê quán Bình Định và một số đối tượng khác mua bên Lào vận chuyển về Việt Nam để sử dụng vào dịp Tết. Trước đó vào ngày 7-12-2015, lực lượng Hải quan và Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã bắt giữ ông Lê Thanh Thảo, sinh năm 1984, ngụ tại Đắk Lắk vận chuyển trái phép pháo qua biên giới khi kiểm tra xe đầu kéo nhập cảnh từ Lào về Việt Nam. Tài xế này đã cất giấu trong xe 12 hộp pháo với tổng trọng lượng 17,5kg. Ngày 8-12, cũng tại địa bàn này, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum tiến hành tuần tra và phát hiện vụ vận chuyển 7,5kg pháo các loại. Đối tượng đã bỏ chạy vào rừng hướng về biên giới qua Lào.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên, trong năm 2015, lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum đã bắt giữ trên 500 kg pháo các loại, tại Đắk Lắk bắt giữ trên 1.000 kg pháo, tại Gia Lai là trên 50 kg, bánh, cây; Đắc Nông là 710 cây, quả và gần 10kg. Mặc dù đây là mặt hàng cấm sử dụng từ rất lâu nhưng các đối tượng vẫn lén lút mua bán, vận chuyển qua biên giới để đưa vào nội địa tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn Tây Nguyên.

Gỗ vẫn tuồn qua biên giới

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên, năm 2015 vừa qua, mặt hàng gỗ vẫn là mặt hàng nóng trong nhóm các mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới. Ban 389 tỉnh Kon Tum cho biết, do đặc thù địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum giáp biên với cả 2 nước Lào và Campuchia với địa hình rừng núi, nhiều đường mòn, lối mở nên công tác chống buôn lậu mặt hàng gỗ nói riêng và các mặt hàng khác nói chung rất khó khăn. Mặt khác, các đối tượng là cư dân biên giới hoặc là những người làm thuê chuyên nghiệp tại địa bàn nên nắm rõ địa bàn, thời gian công tác của các lực lượng chống buôn lậu, dùng thủ đoạn nguỵ trang, đánh lạc hướng nên việc bắt giữ gỗ lậu vẫn còn hạn chế.

Tại khu vực biên giới Gia Lai, các đối tượng vận chuyển gỗ lậu chủ yếu hoạt động tại khu vực làng Mít Chép, xã Ia O, huyện Ia Grai. Tại khu vực này, trong năm 2015, Đồn Biên phòng Ia O đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu với gần 60 m3 gỗ, chuyển cho Hạt Kiểm Lâm Ia Grai khởi tố vụ án. Còn tại khu vực cửa khẩu Lệ Thanh, trong tháng 10-2015, lực lượng Biên phòng đã phát hiện 2 đối tượng đang điều khiển 2 xe ô tô tải vận chuyển 4 m3 gỗ từ Campuchia vào kho của một doanh nghiệp đóng tên địa bàn biên giới không có hoá đơn, chứng từ. Tiếp tục khám xét kho này, lực lượng Biên phòng phát hiện 11 m3 gỗ không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.

Còn tại địa bàn biên giới Đắc Nông, lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng đã đặc biệt chú trọng đến mặt hàng gỗ nhằm phòng ngừa việc các đối tượng buôn lậu gỗ trà trộn gỗ lậu với gỗ nội địa và gỗ nhập khẩu. Năm 2015, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã bắt giữ trên 1.250 m3 gỗ tròn các loại, 421 kg gỗ trắc, tỉnh Đắc Nông bắt giữ trên 1.000 m3 gỗ xẻ, tỉnh Gia Lai với gần 2.000 m3 gỗ xẻ, tỉnh Đắk Lắk với gần 3.000 m3 gỗ các loại (Số lượng trên bao gồm cả tang vật khai thác, vận chuyển gỗ lậu trong nội địa).

Càng gần kề tết Nguyên đán và biên giới Tây Nguyên đang vào mùa khô, pháo và gỗ tiếp tục vẫn là hai mặt hàng trọng điểm mà các lực lượng chống buôn lậu các tỉnh Tây Nguyên đưa vào “tầm ngắm”. Đối với các đối tượng buôn lậu thì đây cũng là 2 mặt hàng kiếm lời béo bở nên hoạt động buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp tại biên giới Tây Nguyên.