Tờ Việt Nam Phụ Nữ
Ông Viễn Đệ là con cụ Bố chánh Tôn Thất Chiêm Thiết,ÔngViễnĐệlàmbáoPhụNữbảng xếp hạng giải hạng 2 ý hậu duệ đời thứ năm của Định Viễn Quận vương Nguyễn Phúc Bính - Hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, một ông Hoàng giỏi làm ăn, buôn bán, người có sáng kiến mở chợ Gia Lạc trong ba ngày tết. Vua Minh Mạng, hoàng huynh của ông, từng nói là “Phú bất như Định Viễn”.
Trước đây tôi chỉ nghe nói, chỉ biết loáng thoáng qua vài bài báo, vài mẩu chuyện, nay mới biết đến ông chủ hãng dầu khuynh diệp của Huế và nhà in Viễn Đệ qua bộ sưu tập báo Việt Nam Phụ Nữ (VNPN) do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho mượn trong những ngày sắp xếp lại các tủ sách – hồ sơ tư liệu của Gác Thọ Lộc để trưng bày phục vụ cho buổi ra mắt văn phòng làm việc của Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế.
Tờ VNPN ra mỗi tháng hai số, vào ngày 01 và ngày 16. Giá bán 2 đồng. Số đầu tiên ra ngày 1/11/1948. Không rõ tờ báo đình bản ở thời điểm nào, với lý do gì, nhưng trong bộ sưu tập tôi đang giữ thì số cuối cùng ra ngày 1/3/1949. VNPN in tại nhà in Viễn Đệ, được thành lập từ năm 1935, ở đường Phan Đình Phùng, hồi ấy số nhà là 11, nay là số 25. Trang cuối cùng của số 01 quảng cáo cho nhà in: Viễn Đệ in đẹp; Viễn Đệ in mau, Viễn Đệ in rẻ.
Điều lý thú là ông Viễn Đệ đã mời được cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm thơ quảng bá cho nhà in của mình in trên VNPN:
Ai cũng biết Nhà in Viễn Đệ
Dậy tiếng khen đất Huế đã từ lâu
Mực với son tươi thắm rõ màu
Lắm vẻ đẹp, in mau giá rẻ...
Chưa hết, ông còn lẫy Kiều để “PR”:
Khen tài “nhả ngọc phun châu”
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này
Vậy xin cho phép in ngay
Để làm kỷ niệm một ngày thiên duyên
…
Rằng gần Bến Ngự đầu cầu
Nhà in Viễn Đệ bấy lâu tiếng đồn
Thợ thầy máy móc chuyên môn
In mau giá rẻ chữ còn mới tinh
Từ năm Gia Tĩnh triều Minh
Nhà in Viễn Đệ xuân kinh tiếng đồn…
VNPN chỉ có 20 trang, cỡ giấy A4, nhưng nội dung khá phong phú và có sự ổn định về chuyên trang, chuyên mục.
Trang đầu tiên là chuyên mục “Gương kim – cổ”. Mỗi số có một bài giới thiệu về một liệt nữ (Việt Nam và thế giới). Số 1 giới thiệu về Trưng Nữ Vương và Huyền Trân công chúa, số 2 giới thiệu nữ bác học Pierre Curie, số 3 giới thiệu bà Triệu Ẩu, số 5: bà Tống Mỹ Linh (phu nhân của Tưởng Giới Thạch), số 6: bà Maintenon (nhà giáo dục phụ nữ người Pháp ở thế kỷ 17), số 7: Đức Từ Dụ (Đức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu), số 8: Nữ hoàng Welhelmine (Hòa Lan), số 9: Đức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.
Tiếp theo là các chuyên trang: Giáo dục gia đình, giáo dục nhi đồng, giới tính, chuyển đổi giới tính, vệ sinh phụ nữ, sức khỏe sinh sản, chăm sóc sắc đẹp, nữ công gia chánh, khoa học thường thức, nghi lễ, pháp luật về phụ nữ.
Ngoài các chuyên trang, chuyên mục về phụ nữ mỗi số đều có trang văn học nghệ thuật, chuyện xưa, hài đàm, Việt sử diễn nghĩa. Ở phần này số nào cũng có bài viết về vẻ đẹp của người phụ nữ trong ca dao, trong thi ca kim cổ. Số Tết có thêm thơ khai bút đầu năm và câu đối.
Lại có cả những bài “bàn về những ý kiến chị em đối với thời sự Tổ quốc, tôn giáo, vì không phải phụ nữ chỉ biết cho con bú, nấu ăn mà thôi”. Có trang thơ của các tác giả nữ (Văn uyển) “vì không phải đàn bà mà không có tư tưởng, cảm giác gì về văn chương, mỹ thuật” (trích lời nói đầu).
Mục đích tôn chỉ của tờ báo được xác định rõ trong lời nói đầu: “Chúng tôi noi gương chị em trước, gắng mà xuất bản tạp chí VNPN, để bàn những vấn đề của người đàn bà kim thời cần phải biết, để làm cho tròn phận sự làm vợ, làm mẹ cho xứng đáng cái thiên chức mình trong xã hội”.
Phủ Viễn Đệ có hai mặt tiền, đường Phan Đình Phùng và đường Trần Thúc Nhẫn. Phía đường Phan Đình Phùng là cơ sở in. Phía đường Trần Thúc Nhẫn, ở phía sau cổng phủ, sau sân vườn phía trước có xây vọng lâu. Ở trên vọng lâu dựng một bức tượng phụ nữ trong trang phục áo dài màu thiên thanh, khá đẹp. Nay bức tượng được đưa xuống dưới sân và dựng trên một cái bục nhỏ. Nghe đồn rằng nguyên mẫu của bức tượng ấy là ý trung nhân của ông Viễn Đệ (?) Nghe cũng có lý. Càng có lý hơn vì từ câu chuyện bức tượng người đẹp và tờ báo VNPN ra đời, in ấn ở đây đã dẫn đến một ý tưởng của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, là sẽ nghiên cứu để chuyển đổi mục đích sử dụng phủ Viễn Đệ làm bảo tàng về áo dài Việt Nam.
Bài, ảnh: THANH TÙNG