Còn nhiều hành vi lệch chuẩn
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao, trong các nhà trường hiện nay, nhiều học sinh có ý thức rèn luyện, phấn đấu, đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế. Nhiều học sinh vùng khó khăn, thiếu thốn nhưng biết vượt nghèo, học giỏi. Nhiều học sinh tình nguyện cõng bạn tật nguyệt đến trường không quản ngại mưa nắng hay dũng cảm cứu bạn bị đuối nước... đã xây dựng những hình ảnh đẹp của tuổi học sinh.
Tuy nhiên, không ít học sinh vẫn đang có những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống, nói năng thiếu lễ độ, gây bạo lực học đường, vi phạm pháp luật...
Theo PGS.TS Phạm Viết Vượng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh như do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, sự phát triển thiế kiểm soát của Internet, mạng xã hội về những vấn đề lối sống tiêu cực…
Còn theo PGS. TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục những năm gần đây, tình hình suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông đang có xu hướng gia tăng, nhiều vụ vi phạm có tính nghiêm trọng, có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống. Tình trạng học sinh xúc phạm giáo viên đã diễn ra ở một số địa phương. Vì vậy, các nhà trường cần sử dụng cá biện pháp và hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh; tăng cường phối hợp với gia đình, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương sớm phát hiện những hành vi lệch chuẩn trong và ngoài nhà trường để cùng uốn nắn các học sinh cá biệt.
Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình và nhà trường
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của mọi nhà trường, của toàn ngành giáo dục.
PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Học trò được giáo dục đạo đức sẽ biết cách ứng xử đúng mực trong các tình huống khác nhau, từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội và làm việc hiệu quả trong cộng đồng. Đồng thời, giáo dục đạo đức giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực như bạo lực học đường, gian lận thi cử…