Hướng đi đúng
Chứng minh cho việc giảm tỷ lệ hộ nghèo không phải chỉ là con số, Chủ tịch UBND xã Ðông Thới Võ Văn Triệu phấn khởi: “Trước đây, thu nhập chính của các hộ dân là nuôi thuỷ sản, chủ yếu là nuôi tôm, cua. Những năm gần đây, bà con phát triển thêm mô hình nuôi sò huyết xen canh, cho thu nhập cao. Từ đó, đời sống dần khởi sắc, người dân tích cực hơn trong việc chung sức xây dựng NTM”.
Vùng đất Ðông Thới có lượng phù sa dồi dào, sò huyết sinh sống nhiều. Nghĩ rằng sò sống dưới sông được thì sống được trong vuông tôm, một số hộ đã thử nghiệm nuôi. Ban đầu chỉ có các hộ ít đất nuôi (vì nuôi sò không chiếm nhiều diện tích), dần về sau, thấy nuôi sò ít vốn, nhiều lời nên nhiều hộ làm theo và trở thành phong trào nuôi sò huyết xen canh rộng khắp.
Anh Trần Văn Lên (ấp Kinh Lớn) cho biết: “Nếu chỉ bắt sò dưới sông để thả nuôi thì không đủ, nhưng mua con giống vùng khác về nuôi thì không đạt đầu con vì thay đổi nguồn nước đột ngột, sò giống không thích nghi được. Vì thế, anh em trong xóm bàn nhau thành lập hợp tác xã chuyên cung ứng sò giống, vừa có sò giống chất lượng để thả nuôi, vừa có sản phẩm cung ứng cho bà con trong vùng”.
Thế là, Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Ðông Thới được thành lập cuối năm 2018, chuyên cung ứng các loại sò giống (sò cám, sò ngàn, sò trăm) cho các hộ dân trong và ngoài vùng. Anh Lên chia sẻ, ban đầu sò giống được dèo ngoài sông, kênh, rạch nhưng ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ và tỷ lệ hao hụt cao, nên các anh nghĩ ra việc dèo sò giống bằng cách trải nhựa trên hầm đất, cách làm mới nhưng bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Ban đầu hợp tác xã chỉ thử nghiệm 1 hầm, thấy hiệu quả đã nhân rộng lên 3 hầm, đảm bảo đủ lượng sò huyết giống cung ứng quanh năm cho các hộ nuôi trong vùng.
Nuôi sò huyết không cần diện tích rộng, quan trọng là sò giống phải chất lượng. Ông Huỳnh Dũng Liêm (ấp Bào Tròn) cho biết: “Tôi chỉ thử nghiệm nuôi trên diện tích 700 m2, thả 4 triệu đồng sò huyết giống, qua 11 tháng thu hoạch trên 20 triệu đồng”.
Nói về việc bà con phát triển mô hình nuôi sò huyết, ông Triệu tâm đắc: “Từ khi có mô hình nuôi sò huyết, đời sống bà con có bước khởi sắc, nhiều hộ nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Ðây là bước tiến vượt bậc, cũng là tiền đề quan trọng để xã đạt tiêu chí hộ nghèo”.
Diện mạo xã Ðông Thới hôm nay. |
Lộ trình rõ ràng
Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là “dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, nên từ khi xây dựng kế hoạch, xã đã phân chia từng nhóm công việc cho từng ấp, khóm. “Xã phân công cụ thể 16 phần việc cho 5 ấp đảm nhận, từ đó phát động phong trào thi đua cho từng ấp và kiểm tra chéo với nhau. Ðảm bảo nhà nhà đều hiểu, biết thế nào là NTM, cùng chung tay xây dựng và gìn giữ”, ông Triệu chia sẻ.
Với lộ trình về đích NTM vào cuối năm nay, hiện Ðông Thới đã đạt 16/19 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt là lộ nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hoá. Ông Triệu cho biết, về lộ thì có vài tuyến bị sụp lún đang sửa chữa, còn lại đầu tư thêm 8 tuyến để mở rộng cho đủ chuẩn. Về tiêu chí điện, 221 hộ chưa có điện hạ thế, còn sử dụng điện chia hơi, xã đã đề xuất lên cấp trên đầu tư 8 tuyến trên địa bàn để phủ kín lưới điện quốc gia, khi các tuyến này được đấu nối thì xã sẽ đạt 99% hộ dân có điện sử dụng. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, phía huyện đã hỗ trợ 5 ấp xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hoá với kinh phí 30 triệu đồng/trụ sở, phần còn lại do địa phương vận động xã hội hoá, đến thời điểm hiện tại kinh phí xây dựng các trụ sở này cơ bản đã đủ, chỉ chờ bắt tay vào xây dựng.
Với hướng đi đúng đắn và lộ trình rõ ràng, tin rằng Ðông Thới sẽ sớm về đích NTM./.
Kim Cương