Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung |
Giá một số mặt hàng vẫn neo ở mức cao
Trong nhóm hàng lương thực, thực phẩm, giá thịt lợn tăng là yếu tố đáng lo ngại nhất. Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi những ngày gần đây diễn biến theo chiều hướng giảm nhẹ. Giá thịt lợn hơi đã giảm rải rác khoảng 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương trên cả nước và ghi nhận mức thấp nhất 54.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Bắc, giá thịt lợn hơi đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 56.000 – 58.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại giá thịt lợn hơi duy trì ở mức 57.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi đi xuống, nhưng giá thịt bán lẻ tại các chợ truyền thống, siêu thị vẫn neo ở mức cao. Điều này khiến người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn giá đắt, trong khi người chăn nuôi thua lỗ, không dám tái đàn, gây lo ngại giá thịt lợn sẽ tăng vào cuối năm nay. Qua khảo sát những ngày gần đây tại một số chợ truyền thống, giá thịt dao động từ 110.000 - 170.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ và sườn non, thịt nạc vai có giá cao nhất. So với giá hơi, giá các mặt hàng này tại chợ truyền thống đang cao gấp 1,5 - 3,5 lần (tùy theo loại thịt). Còn tại các siêu thị, giá thịt lợn bán lẻ đang cao hơn so với chợ truyền thống 30.000 - 40.000 đồng mỗi kg (tùy loại).
Trên thực tế, các hệ thống siêu thị cũng đang cố gắng giảm giá thịt hơi 10 - 15% so với trước, nhưng vẫn cao hơn tại các chợ truyền thống và khó hạ theo tốc độ giảm của giá hơi.
Giá lúa gạo những ngày gần đây tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng. Tại các chợ lẻ, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg; gạo ST25 có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Từ cuối tháng 7/2023 ngay khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo thế giới đã điều chỉnh tăng liên tục. Tuy nhiên, giá gạo trong nước vẫn ổn định do nguồn cung dồi dào.
Cùng với một số hàng hóa thiết yếu, giá xăng dầu trong những diễn biến gần đây tăng, giá thế giới lo ngại sẽ tiệm cận ở mức 100 USD/thùng. Việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng dầu sẽ dẫn tới “sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng”. OPEC dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ thiếu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý IV năm nay, mức thâm hụt nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Giá dầu tăng sẽ dẫn tới việc người tiêu dùng sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn cho năng lượng và lạm phát cũng tăng lên.
Lạm phát cơ bản đang theo đúng kịch bản
Hiện nay nước ta đang thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, giá các mặt hàng nhìn chung được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lo ngại giá xăng dầu tăng lên Giá xăng dầu đã tăng lên trong những diễn biến gần đây, giá thế giới lo ngại sẽ tiệm cận ở mức 100 USD/thùng. Việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng dầu sẽ dẫn tới “sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng”. OPEC dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ thiếu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý IV năm nay, mức thâm hụt nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Giá dầu tăng sẽ dẫn tới việc người tiêu dùng sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn cho năng lượng và lạm phát cũng tăng lên. |
Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm đến nay, lạm phát cơ bản được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá.
Các giải pháp triển khai nhằm hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.
Trong chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2023 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Các bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đặc biệt, các cơ quan chức năng điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
PGS.TS.ĐINH TRỌNG THỊNH: Giá xăng dầu tăng nhưng vẫn trong dự tính Tôi cho rằng, một bài học cũ nhưng luôn mới là phải tránh được tâm lý lạm phát kỳ vọng, loại bỏ được các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả. Bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá cả thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh hoặc xử lý kịp thời tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đối với giá xăng dầu trong khoảng thời gian gần đây đã tăng lên do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, nhưng theo tôi, vẫn đang nằm trong tính toán của doanh nghiệp và Nhà nước. Dù vậy, trong điều hành phải linh hoạt, đảm bảo không để tác động quá nóng đến giá cả thị trường và đẩy chỉ số lạm phát tăng mạnh như giai đoạn 6 tháng đầu năm ngoái. PGS.TS. NGÔ TRÍ LONG: Điều hành lạm phát đảm bảo theo đúng mục tiêu không khó Đối với những lo ngại gần đây khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng thì khó tránh khỏi việc giá xăng trong nước tăng theo. Tuy nhiên trong điều hành, tôi cho rằng cần sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu linh hoạt để giảm thiểu tác động tăng giá, cũng như có các giải pháp chủ động không để tái diễn những đứt gãy, căng thẳng trên thị trường như đã từng diễn ra trong năm 2022. Trong trường hợp giá giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa, các giải pháp liên quan đến đến thuế cũng cần được các cơ quan quản lý tính toán đến. Dù có nhiều ý kiến nhưng tôi nghĩ điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra trong năm nay là không khó khăn. Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. |