Các cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 2/8. |
Kết thúc phiên này, chỉ số Nasdaq Composite rớt 2,17% xuống 13.973,45 điểm, chỉ số S&P 500 mất 1,38% còn 4.513,39 điểm. Chỉ số Dow Jones lùi 348,16 điểm (tương đương 0,98%) xuống 35.282,52 điểm.
Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn đối với Mỹ từ AAA xuống AA+ vào tối ngày thứ Ba (01/08), với lí do “suy giảm tài chính dự kiến trong 3 năm tới”.
Lần cuối cùng Mỹ bị một cơ quan xếp hạng lớn hạ bậc tín nhiệm là vào năm 2011 khi Standard & Poor hạ xếp hạng nước này từ AAA xuống AA+.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao Mona Mahajan tại Edward Jones nhận định: “Nhà đầu tư có thể sử dụng việc Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm này như một lý do để chốt lời, tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng dù sao đó cũng có thể là một phần tự nhiên của chu kỳ thị trường, sau một đợt leo dốc như vậy, rất ít biến động”.
Đợt bán tháo vào ngày thứ Tư đã phá vỡ xu hướng tăng kéo dài nhiều tháng gần đây được thúc đẩy với các cổ phiếu tăng trưởng. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà sụt giảm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc JD.com và Baidu đều sụt hơn 4% sau khi nước này đề xuất hạn chế sử dụng điện thoại thông minh cho trẻ vị thành niên. Cổ phiếu Alibaba rớt 5%. Cổ phiếu vốn hoá lớn Amazon, Alphabet và Microsoft đều giảm hơn 2%, còn cổ phiếu Nvidia mất gần 5%.
Bà Mahajan cũng nói thêm rằng bức tranh kinh tế tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi, và các điều kiện có vẻ rất khác với lần gần nhất khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Ngày 1/8, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ mức xếp hạng nợ nước ngoài dài hạn của Mỹ một bậc, từ mức AAA xuống còn AA+, do triển vọng tài chính xấu đi trong ba năm tới, cũng như gánh nặng nợ công gia tăng.
Đây là lần thứ hai một cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn hạ bậc xếp hạng của Mỹ, sau khi S&P cũng có động thái tương tự vào năm 2011 do sự bế tắc liên quan đến trần nợ công của Mỹ./.