Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay.
Trình bày tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, so với quy định hiện hành dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới. Đáng chú ý, trong số đó có quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29 "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".
"Dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật", ông Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, điều này giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, việc này giúp thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Dự thảo Luật cũng quy định, tiền lương, chính sách lương của nhà giáo công tác tại các trường tư thục và công lập tự chủ không ít hơn các nhà giáo khối công lập.
Đồng thời, để đảm bảo nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại điều khoản chuyển tiếp: "Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới".
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, dự thảo luật quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo các nguyên tắc đặc thù phù hợp với hoạt động nghề nghiệp nhằm chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo, trong đó tuyển dụng nhà giáo bắt buộc phải thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng phân cấp cho các trường trong việc tuyển dụng nhà giáo nhằm tăng tính chủ động, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về việc thừa, thiếu giáo viên.
Luật Nhà giáo bổ sung quy định mới về việc biệt phái, điều động, thuyên chuyển, phân công nhà giáo dạy liên trường.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, quy định trên nhằm khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên theo môn học, theo định mức, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động và thống nhất trong việc sử dụng nhà giáo.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
"Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo", ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh. Ông Vinh cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, có ý kiến đề nghị cần rà soát các chính sách hỗ trợ, thu hút để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng; bổ sung chính sách thu hút người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên đại học.
Liên quan đến nội dung tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng dẫn một số ý kiến đề nghị phân biệt rõ giữa tiếp nhận với điều động, thuyên chuyển nhà giáo; băn khoăn tính khả thi của quy định biệt phái nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập đến cơ sở giáo dục ngoài công lập và ngược lại.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng băn khăn về thẩm quyền của chủ tịch hội đồng trường trong bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập; băn khoăn về các quy định liên quan tới nguyên tắc, căn cứ, phương thức đánh giá nhà giáo.
Anh Văn