Những công trình kiến trúc độc đáo
Sóc Trăng hiện có tới 92 ngôi chùa Phật giáo Nam tông với kiến trúc nổi bật, trong đó có những ngôi cổ tự được xây dựng cách nay đã gần 500 năm. Khác với kiến trúc Phật giáo Bắc tông chủ yếu là màu nâu trầm, mang đậm chất cổ kính, trầm mặc, chùa Nam tông Khmer lại thường khoác lên mình tấm áo vàng rực rỡ, làm tôn thêm vẻ nguy nga, tráng lệ. Chùa được xây dựng trên khu đất rộng, bao bọc là những hàng cây dầu, cây thốt nốt cao lớn.
Chị Thạch Thị Loan, di sản viên tại Bảo tàng Khmer (Sóc Trăng) cho biết, kiến trúc Phật giáo Nam tông là những công trình tạo dấu ấn đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa vật thể Việt Nam, một chỉnh thể nghệ thuật được kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc, hội họa, với những hoa văn trang trí đặc sắc.
Đặc biệt, sự độc đáo của kiến trúc thể hiện rõ nét nhất ở chính điện, trung tâm của ngôi chùa. Chính điện quay về hướng Đông - Tây với quan niệm Đức Phật luôn ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông mà cứu độ chúng sinh. Bên ngoài chính điện thường có các công trình phụ trợ, trang trí phù điêu đắp nổi, thể hiện hình tượng tiên nữ, chim thần Krud, đầu thần Bayon bốn mặt… được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian Khmer. Chính điện thường xây 3 tầng, tương ứng với số 3 là số may mắn, hoàn thiện nhất theo quan niệm của văn hóa cổ Khmer. Thềm lên cũng thường 3 bậc.
Tuy nhiên, mỗi ngôi chùa lại có những nét riêng biệt. Tới thăm chùa Kh’leang tuổi đời đã gần 500 năm, tọa lạc trên một khu đất rộng ở TP Sóc Trăng, chúng tôi được hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa cho biết, ngoài kiến trúc mang đậm chất Khmer với hình tượng rồng trên mái, chim thần Krud và ngọn lửa… được điêu khắc tinh xảo, thì phần nội thất chính điện có sự giao thoa của ba nền văn hóa Kinh, Khmer, Hoa trong một không gian kiến trúc. Sự giao thoa này thể hiện rõ trên những cây cột gỗ như nghệ thuật sơn mài của người Việt, cách phối hợp màu sắc truyền thống của người Khmer và đường nét hội họa đặc trưng của người Hoa, tạo nên một tuyệt tác có một không hai. Cũng tại chính điện chùa Kh’leang, ta còn bắt gặp tác phẩm của người Kinh ở bức cửa võng, điều này phản ánh sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư lâu dài, người dân đã kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật dân tộc để cùng nhau phát triển. Ngoài vai trò là cơ sở tín ngưỡng, nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn bộ sưu tập tượng Phật với nhiều tư thế, kích cỡ, chất liệu khác nhau. Vì thế, chùa Kh’leang còn được coi như một bảo tàng nghệ thuật cổ. Các hiện vật do nhiều thế hệ cao tăng lưu giữ hàng trăm năm qua, từ sự đóng góp, gửi gắm của nhiều Phật tử.
Một ngôi chùa khác cũng là nơi không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Sóc Trăng, đó là chùa Sà Lôn ở huyện Mỹ Xuyên (tên gọi khác là Chén Kiểu), được xây dựng từ năm 1815. Chùa nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, thể hiện trong chính cái tên của mình. Được trang trí bằng những mảnh gốm, sứ với kiến trúc đặc trưng Khmer, chùa Chén Kiểu để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Đại đức Kim Hoàng Hưng, trụ trì chùa Sà Lôn cho biết, ngoài kiến trúc đặc trưng của chùa Phật giáo Nam tông, kiến trúc nơi đây còn mang đậm nét văn hóa của người Hoa. Họa tiết trang trí mô phỏng theo miệng chén, lấy chén để điêu khắc, vì thế chùa được mang tên là Chén Kiểu.
Nơi gắn kết cộng đồng dân cư bền chặt
Theo chị Thạch Thị Loan, người có nhiều năm nghiên cứu về chùa và văn hóa Khmer, thì đối với người dân bản địa, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, nơi gắn kết cộng đồng dân cư bền chặt - nét đặc thù của người Khmer từ truyền thống tới hiện đại. “Sống gửi thân trong chùa, chết gửi cốt trong chùa”, bởi thế chùa là nơi chứng kiến nhiều nghi lễ quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, từ lễ ban phước lành lúc mới sinh, lễ trưởng thành, lễ cưới và cuối cùng là lễ tang. Với họ, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là nơi gửi gắm niềm tin về mọi điều trong cuộc sống, bày tỏ ước nguyện về những gì tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cho mọi người trong phum, sóc…
Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Tà Mơn cho rằng, đối với người Khmer, chùa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, và cao hơn nữa là “trung tâm văn hóa của dân tộc Khmer”. Chùa còn là trường học để trẻ em đến học chữ, học nghề; là trung tâm vận động, tổ chức đào tạo kiến thức và hiểu biết về văn hóa, bảo tồn và lưu giữ bản sắc của đồng bào. Bên cạnh hệ thống trường học, 92 ngôi chùa ở Sóc Trăng hiện nay cũng thường xuyên mở các lớp dạy chữ Khmer. Việc dạy chữ ở các chùa Phật giáo Nam tông đã trở thành truyền thống, giúp thế hệ trẻ biết đọc, biết viết chữ dân tộc mình, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Ngoài ra, trong chùa còn đào tạo nghề nên nhiều người khi hoàn tục có thể kiếm sống bằng các nghề thủ công như thợ gỗ, thợ hồ, thợ xây, thợ vẽ…
Những ngôi chùa Khmer tại vùng đất miền Tây Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng được kết tinh từ nghệ thuật truyền thống và tính sáng tạo của dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc đầy ấn tượng, là chỉnh thể nghệ thuật độc đáo không nơi nào có được... Để gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị di tích, những năm gần đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chính sách bảo tồn và quảng bá rộng rãi hình ảnh chùa Khmer. Nhiều ngôi chùa đã được tu bổ, sửa chữa khang trang, lộng lẫy, được công nhận là di tích cấp quốc gia và đưa vào danh sách điểm đến nhằm thu hút đông đảo du khách, Phật tử trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.