Bác sĩ CKI Quách Hữu Lợi, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, thông tin, người bị kéo đâm vào ngực thủng tim khi được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, tụt huyết áp, nửa người trên tím tái. Ngay khi khởi phát báo động đỏ, các thành viên phản ứng nhanh (các khoa) đã có mặt để cấp cứu tại chỗ, sau đó được chuyển mổ khẩn cấp, nhờ đó kịp thời cứu sống bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông được chuyển từ tuyến huyện trong tình trạng nguy kịch, mạch, huyết áp không còn, sau khi được cấp cứu “Báo động đỏ”, bệnh nhân chuyển mổ trong tình trạng ổ bụng ùn ứ 3-4 lít máu, và ca mổ đã thành công.
Đây là 2 trong số gần 20 trường hợp người bệnh được cấp cứu nhanh, giành lại sự sống nhờ thực hiện quy trình “Báo động đỏ” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ca phẫu thuật “Báo động đỏ” cứu sống người bị tai nạn giao thông sáng 26/11. |
Bác sĩ CKII Tăng Công Lành, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, cho biết, quy trình này áp dụng đối với tất cả các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ và nhân viên có liên quan đến việc cấp cứu của bệnh viện. Theo đó, khi tiếp nhận bệnh nhân có tình trạng khẩn cấp y khoa sẽ phát lệnh thông qua loa truyền thanh hoặc điện thoại di động, tổng đài (bảo vệ) là nơi khởi phát báo động thông suốt đến các thành viên phản ứng nhanh ở các khoa để chi viện. Chỉ từ 5-10 phút (thay cho nhanh nhất là khoảng 30 phút như quy trình cũ bình thường), những lực lượng ứng trực 24/24 được huy động sẵn sàng can thiệp phẫu thuật/thủ thuật khẩn cấp.
“Phương châm làm việc của “Báo động đỏ” là sẵn sàng - khẩn trương - đồng bộ, với mục tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất để có thể cứu sống người bệnh. Trong số gần 20 trường hợp được cứu sống, có đến 4 ca bị đâm thủng tim nguy kịch”, Bác sĩ CKII Tăng Công Lành cho biết thêm.
Theo Bác sĩ CKII Tăng Công Lành, để áp dụng thành công quy trình này đòi hỏi một số nguyên tắc quan trọng về khả năng chẩn đoán lâm sàng nhanh của các bác sĩ trực tại khoa có bệnh nhân khẩn cấp và xử trí hồi sức; Huy động sự tham gia vừa khẩn trương, vừa đồng bộ của các khoa, phòng trong bệnh viện. Điểm quan trọng là phân quyền cho bác sĩ tại khoa có bệnh nhân khẩn cấp phát lệnh “Báo động đỏ” mà không cần phải chờ xin ý kiến trưởng khoa hay trực lãnh đạo bệnh viện. Khi lệnh phát ra, tất cả các bộ phận liên quan đều phải thực hiện ưu tiên số một, để cơ hội cứu sống người bệnh tăng thêm. Và để quy trình “Báo động đỏ” hiệu quả hơn, sau mỗi lần báo động đỏ khởi động, khoa có bệnh nhân nguy kịch và đội phản ứng nhanh sẽ họp rút kinh nghiệm. Thông qua cuộc họp sẽ kiến nghị khen thưởng, phê bình và kỷ luật. Đồng thời, đánh giá hoạt động của hệ thống, bổ sung các khiếm khuyết của hệ thống cho ngày càng hoàn thiện hơn.
“Từ khi thực hiện quy trình, bệnh viện đã tạo được niềm tin bước đầu cho người dân trong việc thay đổi cách ứng xử, tác phong chuyên nghiệp của y tế trong cấp cứu bệnh. Theo đó, quá trình xây dựng và thực hiện làm theo bài bản, có xây dựng đề án diễn tập, qua thực tế rút kinh nghiệm. Từ phân tích kết quả hoạt động, chúng tôi ghi nhận, trong các bệnh được kích hoạt báo động đỏ có thể phân ra 2 nhóm chuyên nội - ngoại và tổng hợp. Do đó, phải tuỳ theo cấp độ mà có hình thức báo động phù hợp”, Bác sĩ CKII Tăng Công Lành nhận định.
Bảo vệ cũng là lực lượng quan trọng trong quy trình báo động đỏ. Bởi khi có phát lệnh, người nhà sẽ nóng lòng, dễ dẫn đến mất an ninh. Bên cạnh đó, một số trường hợp cấp cứu do chấn thương tai nạn giao thông hoặc các băng đảng xã hội thanh toán nhau, xô xát có thể tiếp tục xảy ra tại bệnh viện. Một số người dân hiếu kỳ, tụ tập đông, dễ xảy ra tình trạng móc túi, gây mất trật tự, an ninh khu vực được báo động đỏ./.
Băng Thanh