Huyện Bình Chánh khá mạnh tay tháo dỡ nhà không phép. Nhưng do nhu cầu nhà ở quá lớn,ỡmộngvìtinlờicòđấkết quả bóng đá hạng nhất nhiều người dân lại tin lời đường mật của “cò”, thế là nhà không phép tiếp tục mọc lên…
Nhiều năm qua, Bình Chánh luôn là địa phương “dẫn đầu” TP.HCM về tình trạng xây dựng không phép. Sang năm 2016, điểm nóng này vẫn chưa hề giảm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có tới 535 trường hợp vi phạm xây dựng. Trong đó có khoảng 300 trường hợp xây dựng không phép, tập trung tại ba xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.
Nhà bị dỡ, “cò” hứa xây lại
Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi nhận thấy lâu nay huyện Bình Chánh đã khá mạnh tay trong việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà không phép. Nhưng do nhu cầu nhà ở quá lớn, nhiều người dân lại tin lời đường mật của “cò”, thế là nhà không phép tiếp tục mọc lên. Để rồi tới khi chính quyền ra tay, chính người mua lãnh đủ hậu quả.
Đi dọc theo các con đường tại ấp 4, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi thấy nhiều căn nhà không phép đã bị cưỡng chế. Nền đất chỉ còn lại lổn nhổn gạch đá lẫn những tấm tôn cũ. Vị cán bộ trật tự đô thị dẫn đường chỉ cho chúng tôi căn nhà của ông Nguyễn Hồng Chi ở tổ 1, ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B, đang nằm trong danh sách chuẩn bị cưỡng chế tháo dỡ. Căn nhà này được che chắn bên ngoài bởi hàng rào bằng tôn cũ cùng một tấm bạt lớn và nhiều chậu cảnh. Phía sau cũng được bao bằng những tấm tôn thủng lỗ chỗ. Vì thế, nhìn bên ngoài thì khó biết bên trong các bức tường đang dần được xây lên bằng gạch để thay thế cho vách tôn.
“Đây là hình thức xây nhà không phép phổ biến. Ban đầu họ dùng bạt, tôn cũ dựng làm nhà tạm rồi lén lút xây dựng kiên cố dần dần. Nhưng cũng có trường hợp chỉ sau một đêm, ngôi nhà không phép đã được xây dựng xong” - cán bộ trật tự đô thị dẫn đường nói.
Chúng tôi ghé thăm ông Phạm Văn Quyền, có căn nhà không phép tại ấp 1 vừa bị cưỡng chế tháo dỡ vào cuối tháng 8-2016. Sau khi bị cưỡng chế, cả nhà ông Quyền phải tá túc tạm tại nhà hàng xóm. Người đàn ông 35 tuổi này buồn bã kể: “Tin lời hứa hẹn của một “cò” xây dựng tên Hiếu ở địa phương, tôi gom góp, vay mượn 230 triệu đồng để có được căn nhà này. Lúc đó “cò” Hiếu hứa sẽ đảm bảo cho gia đình tôi sinh sống ổn định, không lo bị tháo dỡ. Nhưng vào ở mới hai năm thì tôi nhận được thông báo là chính quyền sẽ tháo dỡ nhà do xây dựng không phép. Tôi gọi cho Hiếu bắt đền thì Hiếu cam kết chờ một thời gian nữa sẽ liệu đường xây lại nhà cho tôi. Nghe thì nghe vậy chứ tôi không thấy tin tưởng nữa. Giờ đây cả nhà tôi đang rơi vào cảnh không biết đi đâu về đâu”.
Còn tại xã Bình Hưng, nhà không phép chủ yếu mọc lên trên các khu đất trống xen cài trong khu dân cư. Theo lãnh đạo xã, không ít người biết xây nhà xong có nguy cơ bị đập bỏ nhưng họ vẫn cố xây để có nơi ở tạm. “Tuy nhiên, không giống như trước, giờ họ thường dựng nhà tạm bằng tôn hoặc khung sắt để nếu có bị tháo dỡ cũng không thiệt hại quá nhiều” - một lãnh đạo xã Bình Hưng nói.
Dự án treo “đẻ” ra nhà không phép
Lần theo các con đường nhỏ xíu, ngoằn ngoèo tại ấp 1 và ấp 1A, xã Bình Hưng, chúng tôi tìm đến ba căn nhà xây không phép vừa mới bị tháo dỡ. Cả ba căn này đều nằm trong quy hoạch dự án Khu dân cư Thăng Long. Theo UBND xã Bình Hưng, dự án này đã có quyết định thu hồi đất 12 năm nay nhưng chủ đầu tư mới bồi thường được khoảng 70%.
Khi chúng tôi tới, chủ của ba căn nhà trên đã không còn ở đó. Theo lời hàng xóm, hai trường hợp kia là người từ nơi khác tới. Còn chủ nhà A33, tổ 52A, ấp 1 là dân địa phương đã sống ở đây hàng chục năm. “Do căn nhà cũ đã quá tệ, có thể bị sập nên bà ấy mới liều xây lại và cất thêm gian nhà trên phần đất trống bỏ hoang hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do nơi đây nằm trong quy hoạch nên việc xây dựng không phép bị xử lý ngay” - người hàng xóm kể.
Tại ấp 5B, xã Bình Hưng cũng có một trường hợp xây dựng không phép sắp bị cưỡng chế. Khu vực này nằm trong một dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất từ năm 2002. Theo UBND xã Bình Hưng, hiện xã có khoảng 90 trường hợp xây dựng không phép, chủ yếu nằm trong các dự án đã “treo” rất lâu, có khi tới hàng chục năm. “Đa phần các trường hợp xây dựng không phép là đất trống xen cài trong khu dân cư. Hiện xã Bình Hưng đã giải quyết xong, chỉ còn lại sáu căn đang trong quá trình xử lý” - một lãnh đạo xã Bình Hưng thông tin.
Còn ở xã Vĩnh Lộc A, ấp 4 và ấp 6A là hai điểm nóng xây dựng không phép. Lý do là dân số hai ấp này khá đông, riêng ấp 4 đã có 12.000 dân nhưng quy hoạch là đất ở nông thôn rất ít, quy hoạch chủ yếu là đất xây dựng mới. Do đó, người dân bị cấm chuyển mục đích và xây dựng nhà ở riêng lẻ. Nhu cầu nhà ở ngày càng cao, có đất mà phải để trống bao nhiêu năm thì ai mà không xót. Thế là họ đành xây nhà lụi và câu chuyện nhà không phép cứ mãi luẩn quẩn chưa có lối ra…
“Nhà không phép thì phải làm sao cho có phép, dễ mà!” Trước đó, khi tiếp xúc với phóng viên, các đầu nậu khẳng định để các căn nhà không phép tồn tại thì họ phải “ăn đồng, chia đủ”, kể cả ở tổ, ấp. Cụ thể, người đàn ông tên Thịnh (ở xã Vĩnh Lộc A) nhận là em trai của thầu Tiến nói: “Anh tôi xây hàng trăm căn nhà không phép rồi. Khi làm nhà, bọn tôi phải đàm phán và chính quyền phải cho thì mới dám làm. Nhà tôn phải chung 100 triệu đồng, còn xây luôn thì thêm hơn 100 triệu đồng nữa. Ở đây từ tổ trưởng trở lên là phải lo, rồi cán bộ, cả công an khu vực nữa…” - Thịnh nói. Gặp chúng tôi, thầu Tiến cũng tái xác nhận thông tin trên. Để chứng minh thêm, ông Tiến dắt chúng tôi đi đến một số ngôi nhà và giới thiệu do ông xây. “Tôi “ra tay” là an tâm. Làm nhà tôn thì có giá 180 triệu đồng, trong đó tiền lo lót là 100 triệu đồng. Số tiền đấy phải chi cho nhiều người, mỗi người khoảng 5 triệu đồng”. Tại xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi được ông Nguyễn Duy Lân hứa sẽ lo trọn gói từ đất (nông nghiệp, giấy tay) đến nhà không phép với giá 350 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi còn gặp một người đàn ông được ông Lân giới thiệu là ông Nguyễn Thanh Tú, ấp phó ấp 5. Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng mua đất giấy tay, xây nhà không phép sẽ bị đập, ông Tú trấn an: “Em liên hệ với anh Lân vì anh ấy chuyên về cái đó. Nhà không phép thì sẽ bị đập nhưng phải làm sao để cho có phép. Cái đó dễ mà!”. Khi chúng tôi cung cấp những thông tin trên, ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B, nhấn mạnh: “Những người mua đất rồi nhờ “cò” xây nhà không phép thì đó là chuyện của họ, tôi không nắm được hết. Tuy nhiên, cán bộ nào vi phạm tôi sẽ xử lý ngay. Năm 2014, một cán bộ địa chính của xã đã bị xử lý hình sự vì nhận tiền để người dân xây dựng không phép. Một cán bộ địa chính khác không kiểm tra kịp thời cũng bị phê bình, một trưởng ấp cũng bị xử lý”. Về sự hứa hẹn của ông ấp phó ấp 5, ông Hiền cho biết chưa nghe chuyện này. “Ông Tú phụ trách ấp đội (quản lý lực lượng quân sự ở dưới ấp, tham mưu công tác quân sự, xét duyệt đội ngũ thanh niên đi nghĩa vụ quân sự - NV) nhưng nếu phát hiện xây dựng không phép thì phải báo. Ông Tú không phải cán bộ của xã, không có trách nhiệm, quyền hạn gì trong đất đai xây dựng. Do là dân địa phương nên có thể ông Tú nắm thông tin về một số khu đất rồi cung cấp cho “cò”, cho người mua. Đó là chuyện cá nhân của ông Tú nhưng nếu làm sai thì ông ấy phải chịu trách nhiệm” - ông Hiền nhấn mạnh. LÊ THOA - NGUYỄN TÂN |
"Không "cò" nào dám vô gặp tôi"
Từ đầu năm đến nay xã Vĩnh Lộc B xảy ra 130 trường hợp vi phạm xây dựng, chủ yếu là xây dựng không phép. Tôi cũng có nghe dư luận đặt nghi vấn là cán bộ xã nhận chung chi để làm ngơ cho vi phạm. Thậm chí bản thân tôi cũng bị nghi ngờ có nhận tiền chung chi từ 100 đến 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, tôi khẳng định trong công việc lãnh đạo xã luôn xử lý đúng quy định. Tôi nói thẳng không "cò" nào dám vô gặp tôi, tôi cũng không quan hệ với họ, không tiếp họ. Tôi cũng chưa nhận đơn tố cáo cán bộ xã bao che xây dựng không phép. Nếu quả thật có chuyện đó, tôi sẽ xử lý nghiêm. Thậm chí nếu có vi phạm xây dựng mà không xử lý kịp thời thì những người có trong quy chế phối hợp phải chịu trách nhiệm, kể cả trưởng ấp, cảnh sát khu vực.
Ông NGUYỄN MINH HIỀN, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh
Theo Pháp luật TP.HCM