Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng tổ công tác 344 cho biết, những năm qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng đang tạo nên sự hoang mang cho dư luận.
Theo tổng kết của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, năm qua, Hà Nội đã xử lý hơn 1.580 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó lực lượng Quản lý thị trường xử lý 1.550 vụ; cơ quan Công an xử lý hai vụ, ngành Y tế xử lý hai vụ và cơ quan Hải quan xử lý hai vụ…
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 14, TP. Hà Nội cho biết, hiện nay có nhiều ngành kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm, nhưng khi tổng kết lại, chỉ có xử lý của Quản lý thị trường, Công an và cơ quan Hải quan.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm tập trung chủ yếu thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Nội dung thanh tra chuyên ngành bao hàm các nội dung như: tuân thủ quy định pháp luật về vệ sinh trong sản xuất, tuân thủ trong ghi nhãn, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như quảng cáo và lưu thông trên thị trường.
Cũng theo ông Tuấn, Cục cũng đã phối hợp với các vụ, cục của Bộ Thông tin - Truyền thông để xử lý các trang mạng co hành vi quảng cáo không đúng với sự thật. Các trường hợp sau khi xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính đều thực hiện công bố thông tin theo Luật định trên website của Cục.
Dù những sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn nhức nhối song theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, việc xử lý và truy tố những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không dễ vì để đánh giá làm giả chất lượng hay không còn phụ thuộc vào giám định.
Do vậy, để tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, ông Kiều Nghiệp, Phó Tổ trưởng Tổ Công tác 344 cho biết, kiểm tra xử lý là một biện pháp hỗ trợ cho công tác quản lý. Do đó, tổ công tác mong Cục An toàn thực phẩm sẽ có cơ chế phối hợp nhanh gọn, hiệu quả.
“Cần thiết có thể ký văn bản quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cần có văn bản chỉ đạo các chi cục địa phương để phối hợp quyết liệt hơn trong công tác phòng chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ với lực lượng quản lý thị trường địa phương", ông Nghiệp nói.
Về phía Bộ Y tế, theo ông Tuấn, chỉ riêng ngành Y tế sẽ rất khó triển khai trong việc quản lý vì các DN không sợ thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt, hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đang triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, sẽ thay đổi cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm. Vì thế, Cục rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế… trong công tác hậu kiểm.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, Cục An toàn thực phẩm sẽ bố trí nhân lực, bố trí kế hoạch phối hợp kịp thời và nhịp nhàng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý thực phẩm chức năng. "Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị trong đợt cao điểm phải đáp ứng, trực chiến trong thời gian tổ công tác hoạt động để triển khai phân tích, giám định và trả kết quả nhanh nhất, có những xử lý kịp thời', ông Tuấn nói.
Để chủ động được việc này, ông Tuấn cũng mong muốn Tổ công tác sẽ báo cáo Cục Quản lý thị trường kế hoạch triển khai cụ thể trong năm 2018 trên 20 địa bàn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, Cục An toàn thực phẩm sẽ có công văn chỉ đạo cụ thể cho từng địa phương để triển khai hiệu quả.