Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,ênbốchungvềviệclàmsâusắchơnquanhệĐốitácchiếnlượcsâurộngViệty so vallecano hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Nhật Bản. Trong thời gian chuyến thăm từ ngày 4-8/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế Nhật Bản; cùng Thủ tướng Shinzo Abe tham dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đi thăm một số tỉnh ở khu vực Kansai, Nhật Bản.
Sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
1. Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực kể từ khi nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á năm 2014; các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao sự tin cậy chính trị; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng được tăng cường, góp phần thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế; hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu, lao động, xây dựng, thông tin, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân... có nhiều tiến triển thực chất.
2. Thủ tướng Abe đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế Abenomics nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Nhật Bản và tin tưởng rằng sự phát triển của kinh tế Nhật Bản sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của khu vực và toàn cầu.
3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Nhật Bản, đối tác cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất đã hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội bền vững và xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam; đánh giá cao vai trò và sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác để giải quyết các vướng mắc cản trở việc thực hiện thuận lợi các dự án ODA của Nhật Bản.
4. Hai nhà lãnh đạo khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng; nhất trí việc hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thủ tướng Abe đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng quan trọng và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, khẳng định tiếp tục coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
5. Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực thông qua việc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy kết nối kinh tế, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, trao đổi giữa các chính đảng, Quốc hội hai nước kể cả tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.
Về quan hệ chính trị, quốc phòng và an ninh
6. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp; nhất trí tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực một cách phù hợp. Hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục xem xét khả năng hợp tác liên quan đến việc Việt Nam đang nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin theo đề nghị cụ thể của phía Việt Nam.
7. Hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia.
8. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường hợp tác về an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP). Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển bao gồm việc cung cấp tàu đã qua sử dụng, tàu tuần tra mới và hỗ trợ xây dựng năng lực quốc phòng và hoan nghênh các tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển và tàu tuần tra của Cục Bảo an trên biển Nhật Bản vào thăm Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
9. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc quản lý xuất nhập khẩu vũ khí để phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng
10. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ tăng cường kết nối hai nền kinh tế được nêu trong “Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản” năm 2015 với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi.
11. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có như Ủy ban hợp tác Việt-Nhật, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng và Cơ chế đối thoại nông nghiệp Việt-Nhật, cũng như các cơ chế đối thoại đang triển khai giữa hai nước trong các lĩnh vực ODA, đầu tư, lao động, khoa học công nghệ, tư pháp, môi trường, xây dựng...; đánh giá cao kết quả của Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tổ chức ngày 5/6/2017.
12. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư từ năm 2014 đến năm 2020.
13. Ghi nhận sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất quan trọng đối với khu vực, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên bày tỏ vui mừng và chứng kiến lễ ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yên trong năm tài khóa 2016 của Nhật Bản dành cho Việt Nam cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, Quản lý nước Bến Tre, Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa (giai đoạn 1), Phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2); 3 dự án viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực; và Hiệp định vay ODA dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc
14. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác triển khai dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tiếp tục trao đổi về dự án đường cao tốc nối Thủ đô Hà Nội, Việt Nam và Thủ đô Vientiane, Lào. Phía Việt Nam hoan nghênh mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào dự án sân bay Long Thành, khu thương mại ngầm Bến Thành và hệ thống xe buýt nhanh (BRT) tại tỉnh Bình Dương.
15. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
16. Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và lập nhóm công tác để thực hiện hiệu quả Chiến lược này, cũng như xem xét việc đào tạo kỹ sư tiên tiến cho 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ hiệu suất cao và bảo đảm các tiêu chí về môi trường cũng như việc áp dụng công nghệ khí tự nhiên hóa lỏng mới. Hai nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán hướng đến việc sớm bắt đầu hoạt động thương mại của 3 dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT. Hai nhà lãnh đạo sẽ tăng cường hợp tác về tiết kiệm năng lượng và xây dựng mạng lưới điện.
17. Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ, phù hợp với Hiệp định WTO, với mục đích duy trì và mở rộng việc sản xuất nội địa xe nguyên chiếc (CBU) như một ưu tiên hàng đầu. Hai bên sẽ thành lập nhóm công tác và đưa ra các biện pháp cụ thể trong một kế hoạch hành động được xây dựng từ nay đến cuối năm. Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
18. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thông qua việc triển khai hiệu quả giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư và hệ thống luật pháp, tăng cường quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm các doanh nghiệp công khai thông tin. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư PPP.
19. Phía Việt Nam khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Về hợp tác nông nghiệp, môi trường-ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực, tư pháp, công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng
20. Hai bên quyết định thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản”; tổ chức Đối thoại hợp tác nông nghiệp cấp cao lần thứ IV trong năm 2017; và sẽ xem xét các hình thức hợp tác hai bên cùng có lợi như việc Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại Việt Nam.
21. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết lại Bản ghi nhớ hợp tác về cơ chế tín chỉ chung về tăng trưởng carbon thấp giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020; chia sẻ ý định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và giám sát tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học biển. Hai bên cũng nhất trí tạo thuận lợi hợp tác quản lý chất thải, bao gồm sản xuất năng lượng từ rác thải, trên cơ sở những thành quả hợp tác trong việc xây dựng luật và các quy định về quản lý chất thải. Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp cơ bản, lâu dài và xem xét sử dụng ODA cho lĩnh vực này.
22. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu chung trên các lĩnh vực như vũ trụ và y tế, trong đó có bệnh truyền nhiễm.
23. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong hợp tác viễn thông và an ninh mạng, tần số, dịch vụ bưu chính thông qua việc sử dụng cơ chế như nhóm công tác chung... Nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống truyền thông không dây đối với an toàn vận tải hàng không và hàng hải, hai nhà lãnh đạo thúc đẩy nghiên cứu về việc hợp tác thiết lập hệ thống kiểm soát tín hiệu radio cao tần.
24. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực theo sáng kiến hợp tác phát triển nhân lực công nghiệp, thông qua Đại học Nhật-Việt và chương trình “Châu Á sáng tạo”. Trên cơ sở những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính và đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cơ hội đào tạo cho hơn 800 cán bộ tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học của Nhật Bản và các khóa ngắn, trung hạn tại Nhật Bản và Việt Nam trong 5 năm tới.
25. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác tăng cường đào tạo ngôn ngữ tiếng Nhật và mở rộng mô hình giáo dục kiểu Nhật; đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các trường đại học hai nước.
26. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc mở văn phòng đại diện Tổ chức dịch vụ lưu học sinh Nhật Bản (JASSO) tại Hà Nội và tăng cường hợp tác trao đổi du học sinh và cung cấp thông tin du học Nhật Bản. Hai bên cũng hợp tác thiết lập văn phòng của Tổ chức các trường cao đẳng dạy nghề KOSEN (NIT) tại Hà Nội nhằm góp phần cải thiện chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam.
27. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự tham gia tích cực của thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản và việc ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng; khẳng định mong muốn triển khai phù hợp Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng nhằm chuyển giao kỹ thuật của Nhật Bản cho Việt Nam trên cơ sở luật mới về thực hiện nghiêm chỉnh chương trình thực tập kỹ năng và bảo hộ thực tập sinh kỹ năng, có hiệu lực tháng 11/2017. Hai nhà lãnh đạo sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác triển khai một cách phù hợp việc đào tạo thực tập sinh và nhất trí tổ chức cuộc họp cấp làm việc định kỳ nhằm giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chương trình thực tập sinh kỹ năng.
28. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển vững chắc của việc phái cử và tiếp nhận các ứng viên hộ lý và điều dưỡng được cấp chứng chỉ tới Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế giữa hai nước và sẽ hợp tác triển khai một cách thuận lợi và phù hợp.
29. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tiếp tục hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác đã ký, tích cực nghiên cứu khả năng ký kết Hiệp định song phương tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và chuyển giao người bị kết án.
30. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt phối hợp triển khai hiệu quả việc phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng tốc độ cao (TOD) theo mô hình của Nhật Bản; xúc tiến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nâng cấp và phát triển đô thị; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xử lý nước, nước thải và rác thải.
Về hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân và giao lưu địa phương
31. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước; tăng cường hơn nữa giao lưu văn hóa thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá con người, văn hóa, nghệ thuật của mỗi nước; tăng cường hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, truyền thống và lịch sử của hai nước. Hai bên chia sẻ mong muốn tiếp tục hợp tác và trao đổi giữa hai nước theo dự án WA cũng như giáo dục tiếng Nhật.
32. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác hướng tới Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 trong khuôn khổ chương trình “Thể thao cho ngày mai”.
33. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước trong các lĩnh vực như tăng cường sáng kiến tiếp thị điểm đến của mỗi nước, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và phát triển kỹ năng lực lượng lao động nhằm mục tiêu thúc đẩy trao đổi du lịch hai chiều dựa trên Bản ghi nhớ được ký kết giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cơ quan Du lịch Nhật Bản và Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO).
34. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển mới trong hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời gian qua và nhất trí cho rằng đây là kênh hợp tác hiệu quả, thực chất góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước. Thủ tướng Sinzo Abe khẳng định sẽ khuyến khích các địa phương của Nhật Bản thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương của Việt Nam, qua đó thúc đẩy đầu tư và chuyển giao công nghệ của các địa phương Nhật Bản cho Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản
35. Hai bên khẳng định cùng nhau hợp tác chặt chẽ để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân như chương trình JENESYS (Mạng lưới trao đổi sinh viên và thanh niên Nhật Bản-Đông Á) và “Chương trình khoa học SAKURA” (Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản-châu Á về khoa học) nhằm tăng cường hơn nữa hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và đặt nền móng vững chắc nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác hữu nghị trong tương lai.
Tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực
36. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tăng cường phối hợp và hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM), các cơ chế khu vực như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, ASEAN-Nhật Bản, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)... góp phần tích cực, mang tính xây dựng đối với hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
37. Với việc thành lập Cộng đồng ASEAN, hai nhà lãnh đạo quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm gia tăng khả năng kết nối của ASEAN, thị trường lớn với hơn 600 triệu người tiêu dùng, và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua việc Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ thực hiện Kế hoạch công tác giai đoạn III của Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) và Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và thông qua các sáng kiến liên quan bao gồm Sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng.
38. Hai nhà lãnh đạo cùng chúc mừng 50 năm kỷ niệm thành lập ASEAN. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định lại sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhật Bản để tăng cường vai trò trung tâm, tính thống nhất và sự đoàn kết của ASEAN. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm cho rằng Nhật Bản và ASEAN sẽ hợp tác để tăng cường tính toàn vẹn của ASEAN như những đối tác có cùng giá trị cơ bản thể hiện bằng thượng tôn luật pháp, và để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
39. Hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ và hợp tác giữa Nhật Bản và các nước khu vực Mekong trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy triển khai Sáng kiến kết nối Nhật Bản-Mekong và Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong để đẩy mạnh khả năng kết nối sôi động và hiệu quả ở khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ giữa cơ chế Mekong-Nhật Bản với các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong (MRC).
40. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam toàn diện để tổ chức thành công Năm APEC 2017. Hai nhà lãnh đạo phối hợp nhằm tạo động lực mới trong các lĩnh vực như làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, nâng cao an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, và tăng cường năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, công nghiệp hỗ trợ.
41.Trong bối cảnh xu hướng chống toàn cầu hoá và chủ nghĩa bảo hộ đang mạnh dần lên trên thế giới, hai nhà lãnh đạo nhắc lại các nội dung liên quan đến vấn đề tự do thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đã được nêu tại Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao G7 tháng 5/2017 và Hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2016, khẳng định thương mại và đầu tư trên nguyên tắc tự do và công bằng là động lực quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, và quyết định sẽ hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do. Hai nhà lãnh đạo khẳng định thúc đẩy thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để sớm đạt được một thỏa thuận hiện đại, toàn diện, chất lượng cao, cùng có lợi dưới sự lãnh đạo của ASEAN. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ nhận thức việc cam kết mở cửa thị trường, luật lệ và hợp tác sẽ làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế khu vực và thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng. Hai nhà lãnh đạo khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của TPP, không chỉ đối với các thành viên của TPP mà còn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức sẽ phối hợp trong đàm phán với các thành viên TPP để Hiệp định toàn diện và có chất lượng cao này sớm có hiệu lực.
42. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông có vai trò quan trọng đối với hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây đang diễn ra ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương, bao gồm quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng và làm phức tạp, mở rộng tranh chấp trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; tự kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực.
43. Là các quốc gia biển tiếp giáp với đại dương rộng lớn, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh cam kết thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, nhấn mạnh rằng duy trì và củng cố một trật tự biển tự do và cởi mở dựa trên luật pháp là nền tảng của lợi ích chiến lược vì ổn định và thịnh vượng của cả hai nước và cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự ổn định, tự do và rộng mở trên cơ sở luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn nữa. Thủ tướng Abe bày tỏ Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương để tăng cường kết nối của ASEAN và khu vực thông qua các sáng kiến liên quan bao gồm Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng. Thủ tướng Shinzo Abe cũng bày tỏ mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và cộng đồng quốc tế trên cơ sở “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế, trong đó có “Luật về Hòa bình và An ninh”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đóng góp tích cực của Nhật Bản đối với hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới cũng như các sáng kiến, luật pháp, chính sách mang tính xây dựng, nhằm bảo đảm sự thịnh vượng về kinh tế, tự do an toàn hàng hải, trên nguyên tắc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
44. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây tại bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc thử hạt nhân và phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo nhắc lại quan điểm đã được nêu tại các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tuyên bố của ASEAN có liên quan và nhấn mạnh sự cần thiết kiềm chế các hành động gây căng thẳng; tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các nghĩa vụ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bao gồm Nghị quyết 2356 và các cam kết theo Tuyên bố chung năm 2005 của Đàm phán sáu bên hướng tới việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo phản đối các hành vi bắt cóc và nhất trí tăng cường hợp tác để giải quyết ngay vấn đề bắt cóc - mối quan tâm nhân đạo của cộng đồng quốc tế.
45. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác vì hòa bình và an ninh quốc tế, và khẳng định lại tầm quan trọng của cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để phù hợp hơn với thực tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21, và nhằm nâng cao tính hợp pháp, hiệu quả, tính đại diện và minh bạch của Hội đồng Bảo an. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ tích cực hợp tác để sớm thực hiện cải tổ, thông qua các nỗ lực nhằm có được tiến triển cụ thể trong các cuộc đàm phán liên Chính phủ. Hai nhà lãnh đạo quyết định sẽ thúc đẩy hợp tác tại các tổ chức quốc tế cũng như xem xét tích cực việc ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc bầu cử của các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
46. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bao gồm động vật biển có vú. Việt Nam cho biết đang tích cực xem xét, thúc đẩy các thủ tục cần thiết hướng tới việc sớm tham gia Ủy ban đánh bắt cá voi quốc tế (IWC).
Theo VGP