【lich thi đấu giải ý】Điểm nhấn giá trị gia tăng ngành nông nghiệp
(CMO) Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bố trí lại sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc điểm của từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu…, tất cả tạo nên bức tranh đa sắc màu cho nông nghiệp của tỉnh với điểm nhấn vượt bậc là giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nông nghiệp Cà Mau chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu, tổng sản phẩm (GRDP) của ngành năm 2018 đạt 11.590 USD; Cơ cấu ngư, nông, lâm chiếm 29,5% tổng sản phẩm trong tỉnh.Trong đó, nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt là 2 lĩnh vực đang được tỉnh tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Liên kết để phát triển bền vững
Nhắc đến Cà Mau, mọi người sẽ nhớ ngay đến vùng tôm - lúa, gắn với nhãn hiệu lúa chất lượng cao; Vùng tôm - rừng gắn với thương hiệu con tôm sinh thái; Rừng U Minh Hạ với mô hình trồng rừng thâm canh gắn với chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC); Vùng chuyên canh lúa cao sản tập trung ở huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và TP. Cà Mau…
Hợp tác xã (HTX) Nuôi thuỷ sản Cái Bát, ấp Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước là một trong những điển hình phát triển mới trong sản xuất. Được hình thành từ việc góp vốn để hỗ trợ nhau trong sản xuất thông qua tổ hợp tác, đến nay HTX đã ghi được tên mình trên thị trường trong và ngoài nước với những sản phẩm đậm chất Cà Mau là con tôm, cua, bồn bồn.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Cái Bát Nguyễn Văn Lâm, đến nay vùng sản xuất hơn 350 ha của HTX đã được công nhận vùng nguyên liệu tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC. Loại hình nuôi của HTX rất đa dạng, từ thâm canh, siêu thâm canh cho đến quảng canh cải tiến, quảng canh 2 giai đoạn… Việc liên kết trong sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh. Từ đó, đời sống của các thành viên trong HTX không ngừng nâng cao.
Nhiều vùng sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh được quy hoạch theo hướng chuyên canh chất lượng cao. |
Không dừng lại ở thành công trong sản xuất, kết thúc năm 2018, HTX Cái Bát tiếp tục gặt hái thành tựu trên lĩnh vực mới là kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Lâm vui mừng cho biết thêm, HTX đã mở được 2 cửa hàng tại Thủ đô Hà Nội để kinh doanh các mặt hàng chủ lực của tỉnh như tôm, cua và bồn bồn. Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên đán 2019 này, HTX đã có hợp đồng cung ứng hơn 5 tấn cua và hiện đang tiến hành các bước để ký hợp đồng cung ứng bồn bồn xuất khẩu. Hiện HTX đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sơ chế, kho lưu trữ… để có những bước tiến xa hơn trong những năm tiếp theo cả về sản xuất và kinh doanh.
“Liên kết chuỗi giá trị là một trong những kết quả nổi bật trong sản xuất của năm 2018 và tỉnh đang tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy loại hình này phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết. Theo đó, trong năm đã có 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 HTX, tổ hợp tác với khoảng 800 hộ dân. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.
Ngoài ra, ông Bằng còn cho biết thêm, tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân thực hành nuôi tôm bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn được trên 19 ngàn héc-ta, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xây dựng vùng nuôi tôm thâm canh có chứng nhận quốc tế được 675 ha; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cao sản an toàn tại xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời; Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa - tôm đặc sản an toàn tại xã Trí Lực, Trí Phải, huyện Thới Bình và chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau màu xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau…
Thu hoạch tôm công nghiệp (nuôi theo hình thức an toàn thực phẩm) tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi. |
Tiến tới chuyên canh - công nghệ cao
Hiệu quả của hoạt động liên kết trong sản xuất đã được khẳng định. Những năm qua, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất đã được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng thế mạnh của từng địa phương. Cũng từ các mô hình này, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để hoạt động liên kết thuận lợi và đạt hiệu quả cần có quy hoạch những vùng chuyên canh theo đặc thù của từng địa phương. Xác định thế mạnh của huyện là lúa - tôm, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết, huyện đã chủ động kết hợp với các khoa của Trường Đại học Cần Thơ tiến hành lập quy hoạch chi tiết trong sản xuất theo đặc thù thổ nhưỡng của từng xã. Đến nay, quy hoạch cơ bản được hoàn thành. Khi có quy hoạch cùng với thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ mà huyện đang xây dựng (đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận) sẽ tạo bước tiến mới cho sản xuất của huyện cũng như tăng thu nhập của người dân. “Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vào để hợp tác với nông dân xây dựng cánh đồng liên kết lúa - gạo, chuỗi giá trị tôm hữu cơ, gạo hữu cơ và tôm sạch”, ông Vững cho biết thêm.
Để thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không ngừng vươn xa trên thị trường quốc tế, tỉnh đã xây dựng 13 nhãn hiệu tập thể hàng hoá cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau. Bên cạnh đó, ông Bằng còn cho biết, tỉnh đang hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, “Lúa sinh thái”. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuỷ sản tại huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Đang cùng các doanh nghiệp nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các dự án đầu tư.
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Phú