Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhiệm kỳ qua có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 đến ngày 23/10/2018. Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Công tác phòng, chống tham nhũng tạo sức răn đe, cảnh tỉnh lớn
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Trong lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước kịp thời, đúng quy định, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống.
Trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Theo ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thường xuyên tham dự các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; trao đổi, tham gia ý kiến với Chính phủ trong nhiều nội dung.
Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền. Đối với các điều ước quốc tế về ODA, thực hiện nghiêm chủ trương chỉ vay cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; chỉ vay vốn cho các dự án thực sự cấp bách, cấp thiết, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, hướng tới mục tiêu giảm nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.
Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng: 370.896 Huân, Huy chương; 27.249 danh hiệu vinh dự Nhà nước, trong đó phong tặng và truy tặng 20.472 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 314 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 84 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; gửi thư khen cho một số tập thể, cá nhân tiêu biểu; gửi Thiếp mừng thọ tới 45.763 người thọ từ 100 tuổi trở lên trong cả nước; quyết định cho 1.598 người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam; 24.370 công dân Việt Nam được thôi quốc tịch Việt Nam.
Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Việc đặc xá, tha tù trước thời hạn được xem xét thận trọng, khách quan, dân chủ, đúng quy định. Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng. Nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm của 295 bị án; quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án, gửi trả 23 hồ sơ về Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Thăng quân hàm cấp tướng cho 574 sĩ quan quân đội và công an
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc…
Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với 174 sĩ quan Công an nhân dân; tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 4 sĩ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm đối với 2 sĩ quan cấp tướng; quyết định cử 45 sĩ quan Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi; cử 2 lượt bệnh viện Dã chiến cấp 2 (126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Xu-đăng.
Trong hoạt động đối ngoại, trên cương vị là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm 19 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì 1 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017). Phó Chủ tịch nước đã thăm chính thức 10 quốc gia; đón tiếp, hội đàm với các đoàn phó nguyên thủ quốc gia; dự 8 hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức ở nước ngoài
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế.
Đó là, việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.
Trong lĩnh vực cải cách tư pháp, một số quy định của pháp luật hiện hành còn chưa thống nhất và đồng bộ; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp hiệu quả chưa cao.
Trong ký kết ODA, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền và quản lý trong quá trình triển khai, thực hiện cũng như trong đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu của Văn phòng Chủ tịch nước còn mỏng nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
Hoàng Yến