Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc làm việc với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 vào chiều 23/9 tại “thủ phủ trái cây” Tiền Giang.
Cho biết về các biện pháp chống hạn mặn, các địa phương đề cập vấn đề tích trữ nước ngọt. Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, tỉnh đã kiến nghị và được Trung ương cho phép xây dựng một hồ trữ nước ngọt ở vùng ven rừng U Minh phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, bởi khi có hồ thì cuộc sống người dân sẽ đỡ hơn.
Tỉnh Cà Mau nêu vấn đề hiện nay là việc bố trí kinh phí và cho biết tỉnh đang tập trung gia cố các công trình thủy lợi để mùa khô tới không bị sự cố, khiến dẫn tới việc thất thoát nước ngọt.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết trên tuyến biển Kiên Giang dự kiến có 136 cống, đến nay, đã hoàn thành 109 cống, cuối năm nay sẽ hoàn thành thêm 10 cống nữa. 17 cống còn lại đang chuẩn bị khởi công và sẽ hoàn thành vào năm 2021-2022. Nếu hệ thống cống hoàn thành trên toàn tuyến thì không chỉ Kiên Giang mà sẽ giúp cho cả Cà Mau ngăn mặn. Tỉnh mong muốn Trung ương tiếp tục hỗ trợ bố trí kinh phí để hoàn thành dự án.
Tại cuộc làm việc, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 đầu tư cho công trình thủy lợi để chủ động sản xuất, thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương ĐBSCL theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thủy lợi (nạo vét, tích trữ nước, đắp đập tạm, bơm) và canh tác lúa để hạn chế tác hại do nhiễm mặn; hướng dẫn nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi bảo đảm được nguồn nước tưới.
Theo Bộ TN&MT, các địa phương cần triển khai phương án tăng khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt quy mô phù hợp với ĐBSCL nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước. Cần tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, chống lãng phí nguồn nước.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT và nhận định của Bộ TN&MT cho thấy mùa khô năm 2020-2021, ĐBSCL có nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn và có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong những mùa khô tới do gần 90% nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc bên ngoài lãnh thổ và chịu tác động điều tiết của thủy điện ở thượng nguồn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần có các giải pháp để thích nghi và chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên hằng năm. Tập trung theo dõi, tính toán, dự báo kịp thời về quy mô, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn, đủ tin cậy để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Tiếp tục đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình cấp bách ứng phó với hạn, mặn; công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, công trình kiểm soát mặn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc làm việc |
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chúng ta đã dần hình thành ý thức, kể cả chủ trương, biện pháp cũng như những giải pháp khoa học công nghệ để triển khai, hạn chế thấp nhất hạn mặn. Những kinh nghiệm của các địa phương nêu ra hôm nay cũng rất tốt cho các địa phương khác. “Chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế từ nay phải là câu chuyện bình thường trong đời sống của ĐBSCL”. Nói là nguy cơ nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh quan điểm “thuận thiên” trong Nghị quyết 120, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần sống, sinh hoạt, thích nghi với điều kiện và môi trường mới. Nhiều nguyên tắc đầu tư, sản xuất kinh doanh được đề ra trong Nghị quyết 120 dựa trên tinh thần ấy. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2020. Trong đó, lưu ý các vấn đề mới của thời đại nhưng đồng thời nghiêm túc kế thừa nhiều nghiên cứu rất sâu sắc về ĐBSCL trước đây, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thủ tướng một lần nữa quán triệt tinh thần không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; bảo đảm sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản lượng nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, cả trái cây và thủy sản tại ĐBSCL, khu vực sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70% cả nước.
“Trước tình hình xâm nhập mặn như thế, chúng ta cần làm tất cả, bằng mọi biện pháp để giữ đời sống nhân dân, duy trì, tiến tới nâng cao vai trò, vị thế của ĐBSCL”, Thủ tướng nói.
Về các biện pháp trước mắt, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô để người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, “tự lo cho mình trước”. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Không chỉ dự báo vào 5h30-6h sáng mà phải dự báo 1 ngày 2 lần để người dân biết được tình trạng quan trắc thế nào. “Tôi có đến Bến Tre hỏi một hộ gia đình tại sao để cây chết thì bác đó bảo không biết nước nhiễm mặn nên cứ múc tưới cây”, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò dự báo.
Bộ NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất (đẩy sớm thời vụ), chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp (giảm diện tích lúa như thế nào) để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.
Vụ Đông Xuân năm ngoái chúng ta đã giảm 100.000 ha diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, cho thu nhập cao. “Năm nay chúng ta giảm bao nhiêu, ở vùng nào, các đồng chí Sở Nông nghiệp phải tham mưu, Bộ NN&PTNT phải thông báo cho từng địa phương”, Thủ tướng nói. Trên tinh thần ấy, phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chỉ gieo xạ lúa ở những nơi bảo đảm nguồn nước tưới để tránh thiệt hại (trong vụ Đông Xuân 2019-2020 còn nhiều diện tích bị thiệt hại do bà con không thực hiện theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn).
Rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô. Không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt, không để người dân phải dùng nước không bảo đảm vệ sinh. Hướng dẫn các địa phương trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, với quy mô từng hộ gia đình, thôn, ấp, xã, phường, tỉnh… “Đừng để tình trạng người dân thức cả đêm để lấy một xô nước, can nước”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh các lực lượng, gồm Công an, Quân đội nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết, giải quyết các vấn đề cấp bách về nước uống cũng như các vấn đề khác.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương hoàn thành một số công trình lớn với diện tích kiểm soát mặn trực tiếp đến gần 700.000 ha và 3,6 triệu dân được hưởng lợi. Do đó, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn, trữ nước, cấp nước sinh hoạt.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Bên cạnh cuộc chiến chống hạn hán thì không được quên câu chuyện cũ là chống lũ. Theo nhận định của Bộ TN&MT, năm nay lũ trên lưu vực sông Mekong sẽ không muộn hơn so với mọi năm và ĐBSCL có thể không có lũ lớn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương trong vùng không được phép chủ quan mà cần theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó khi có lũ theo cấp báo động. Khi có lũ về, phải đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể, khoa học, làm cơ sở đề ra và triển khai đồng bộ các biện pháp cả trước mắt và lâu dài.
Bộ TN&MT, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện, cũng như việc tăng cường sử dụng nước tại các nước thượng nguồn Mekong đến ĐBSCL để có các giải pháp ứng phó phù hợp.
Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Bộ NN&PTNT và các địa phương tập trung rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện.
Bộ NN&PTNT tính toán cân đối khả năng bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động được về nguồn nước.
Qua ng cảnh cuộc làm việc. |
Các địa phương tập trung rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt.
Các bộ và địa phương cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn xây bể trữ nước cho sinh hoạt.
Về các kiến nghị, Thủ tướng nhất trí việc ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để đầu tư công trình thủy lợi nhằm chủ động sản xuất thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn./.
Theo Chinhphu.vn