- Năm 2017 khép lại với khá nhiều câu chuyện bổ ích và lý thú trong đời sống chính trị nước nhà.
APEC vừa kết thúc không lâu. Nhiều nguyên thủ đến Việt Nam: Tổng thống Mỹ,ảnmạncuốinămDấuấkq villarreal Tổng thống Nga, Thủ tướng Nhật, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Úc, Thủ tướng New Zealand...
Biết bao cuộc họp, hội nghị. Vị thế nước nhà gia tăng. Nên chăng gọi 2017 là năm APEC?
Có người lại bảo năm nay phải xứng đáng là năm đánh tham nhũng, chống tiêu cực. Đánh thật, không chỉ đánh từ vai xuống. Cả nước xôn xao với câu nói của Tổng bí thư: Lò nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy. Cũng có củi ác chiến vào lò thật, tỷ như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Đinh La Thăng...
Đã có bao giờ như vậy chưa nhỉ? Có vùng cấm hay không có vùng cấm là câu hỏi đã được trả lời và tiếp tục trả lời trong năm 2018.
Có người lại bảo 2017 là năm tiếp tục tạo đà cho cải cách hệ thống chính trị, vì vậy xứng đáng gọi là năm cải cách hành chính nhà nước. Cũng có cái lý của nó.
Quốc hội kết thúc một năm triển khai giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, thông qua nghị quyết về vấn đề này.
Hội nghị TƯ 6 khóa 12 ra hai nghị quyết về cải cách hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là các văn bản chiến lược, mang tầm cơ bản thúc đẩy cải cách trong thời gian tới.
Thủ tướng tuyên chiến mạnh với sự trì trệ của bộ máy, sự vô cảm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt tập trung vào giảm chi phí DN qua cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Tạo đà cải cách, nhưng cũng chưa đủ độ để lại dấu ấn năm. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn 2 sự kiện mới nhìn tưởng như bình thường, nhưng đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến trục Nhà nước - Công dân ở nước ta. Đó là sự kiện Đồng Tâm, Hà Nội và sự kiện BOT Cai Lậy.
Hướng tới một xã hội tươi sáng hơn
Qua 2 sự kiện này, Nhà nước tự nhìn lại mình và người dân cũng phải tự soi lại mình. Ai đúng, ai sai, ai sai ít, ai sai nhiều, bài học gì được rút ra ở đây, tất cả những cái này đều rất có ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội, của bộ máy nhà nước, của con người trong xã hội, góp phần hình thành nên trục đúng, chuẩn về mối quan hệ nhà nước - công dân.
Đã là nhà nước, là chính quyền là ra luật lệ, chính sách, là tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Đã là nhà nước là có công cụ để cưỡng chế thực thi pháp luật khi cần thiết. Nhìn dưới lăng kính này dường như người dân ở thế yếu, ở thế bị động.
Tuy nhiên không hẳn là như vậy. Công dân có những quyền nhất định và được pháp luật bảo vệ. Một khi chính sách của nhà nước được triển khai, nhưng lại xung đột với quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thì lúc đó các bên cần tỉnh táo ngồi lại thương thảo, xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh có liên quan để tìm giải pháp, lối thoát.
Sự kiềm chế từ cả hai phía chính quyền và người dân là hết sức cần thiết. Cả hai sự kiện Đồng Tâm và BOT Cai Lậy đều chứa đựng trong nó các loại vấn đề này và chỉ rõ cách tiếp cận để giải quyết. Đất nước đang trên con đường phát triển và sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển trên trục nhà nước - công dân.
Bỏ hẳn loa phường hay bỏ nhưng thay bằng loa kiểu khác? Đây cũng là khía cạnh chính quyền - người dân. Chưa rõ lắm nên Hà Nội thí điểm loa tại nhà. Qua thí điểm mà thấy dở thì chắc thôi, nhưng nếu dân khen thì chắc sẽ mở rộng. Cũng là một cách tiếp cận rất hay mối quan hệ nhà nước - người dân.
20 năm trước, từ sự kiện Thái Bình dẫn đến manh nha và hình thành ngày càng rõ hơn cái nền dân chủ cơ sở, thể hiện về mặt pháp luật 4 phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
20 năm sau, chúng ta lại có thêm nhiều kinh nghiệm đáng quý qua hai sự kiện Đồng Tâm và BOT Cai Lậy để làm tốt hơn nữa 4 phương châm, làm cho mối quan hệ nhà nước - công dân ngày càng thực chất hơn, tốt hơn, hướng tới một xã hội tươi sáng hơn.