Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh,ịtrườnghànghóamặthàngnhómnôngsảnđồngloạttănggiákết quả oman lực mua chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Đậu tương và khô đậu tương nổi bật trên bảng giá khi tăng lần lượt 1% và 4,37%. Lo ngại tình trạng khô hạn tại Argentina, vụ cháy tại nhà máy xử lý đậu tương Bunge ở Cairo (Mỹ) và hoạt động tất toán vị thế bán khống của quỹ đầu tư đã hỗ trợ giá các mặt hàng này trong phiên giao dịch hôm qua.
Theo dự báo thời tiết tại Nam Mỹ, tình trạng khô hạn tại Argentina sẽ kéo dài sang năm mới, với lượng mưa hạn chế vào đầu tháng 1. Trong khi đó, Brazil vẫn nhận được lượng mưa dồi dào, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho mùa vụ. Điều này làm dấy lên lo ngại nguồn cung khô đậu tương trong niên vụ hiện tại sẽ không cao như kỳ vọng trước đó.
Ngày hôm qua, tại Cairo, nhà máy chế biến ngũ cốc Bunge đã xảy ra một vụ cháy lớn. Hiện vụ hỏa hoạn này đã được kiểm soát nhưng thời gian hoạt động trở lại vẫn chưa được xác định. Yếu tố này cũng góp phần hỗ trợ giá khô đậu tương, tác động tích cực gián tiếp đến giá đậu tương.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 26/12, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ về các cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào khô đậu tương kỳ hạn giao tháng 2/2025 ở mức 10.300 đồng/kg, trong khi kỳ hạn tháng 3/2025 cũng dao động ở mức 10.300 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán cao hơn khoảng 150 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu.
Giá lúa mì cũng tăng hơn 1% sau kỳ nghỉ lễ do lo ngại về nguồn cung. Nhiệt độ trên hầu hết khu vực Mỹ dự báo cao hơn bình thường trong 10 ngày tới, kèm theo lượng mưa lớn. Điều này có thể gây lo ngại nếu mặt đất không được phủ tuyết đầy đủ khi nhiệt độ giảm xuống mức bình thường và thấp hơn bình thường.
Theo Hiệp hội các Nhà xuất khẩu và Sản xuất Ngũ cốc Nga, tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong năm 2025 dự báo đạt 45 triệu tấn, trong đó có 40 triệu tấn lúa mì. Dự báo này bao gồm khối lượng xuất khẩu trong nửa sau niên vụ 2024 - 2025 (khi xuất khẩu bị giới hạn bởi hạn ngạch của chính phủ để tăng nguồn cung nội địa) và nửa đầu niên vụ 2025 - 2026, khi không áp dụng hạn ngạch.
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm giá, trong khi cà phê Robusta và đường trắng nghỉ giao dịch. Các mặt hàng trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE-US) mở cửa muộn.
Giá ca cao dẫn dắt đà giảm khi mất 7% trong phiên hôm qua. Giới phân tích nhận định nguyên nhân chính là hoạt động chốt lời của giới đầu cơ sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại về nguồn cung trong những tháng đầu năm 2025.
Nông dân trồng ca cao tại Bờ Biển Ngà đang lo ngại về sản lượng đầu năm 2025 do ảnh hưởng của gió mùa khô mạnh tại các khu vực sản xuất chính. Gió Harmattan mạnh cùng lượng mưa thấp khiến lá ca cao khô, làm cây yếu và ảnh hưởng tới sản lượng. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Tây Daloa, trung tâm Yamoussoukro và trung tâm Bongouanou, nơi hầu như không có mưa.
Theo các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà, từ ngày 1/10 đến 22/12, lượng ca cao cập cảng đạt 972.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này do sản lượng và xuất khẩu niên vụ 2023 - 2024 trước đó sụt giảm mạnh. Thực tế, so với các vụ mùa bình thường, lượng ca cao cập cảng hiện tại vẫn ở mức thấp.
Theo sau ca cao, giá cà phê Arabica giảm 1,2% do áp lực chốt lời và triển vọng dư cung trong năm tới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cung - cầu cà phê toàn cầu niên vụ 2024 - 2025 sẽ thặng dư 6,78 triệu bao loại 60 kg, tăng 21,07% so với dự báo tháng 6 và là mức thặng dư lớn nhất trong 4 năm qua. USDA cũng ước tính thương mại cà phê toàn cầu sẽ thặng dư 8,26 triệu bao trong niên vụ 2024 - 2025, gấp 2,2 lần so với dự báo trước nhưng thấp hơn 1,29 triệu bao so với niên vụ 2023 - 2024. Trong đó, xuất khẩu dự kiến đạt 144,9 triệu bao và nhập khẩu là 136,6 triệu bao./.