Anh Huỳnh Minh Lường, ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, đã làm nghề chăn nuôi gia cầm hơn 4 năm nay. Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có từ 600 con gà trở lên. Xác định chăn nuôi là nguồn kinh tế chính của gia đình, nên anh Lường luôn tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là thời điểm chuyển mùa.
Anh Lường chia sẻ: “Trước đây, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, không được tiêm ngừa vắc-xin và vệ sinh chuồng trại định kỳ nên gà thường dễ mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt cao. Từ khi thực hiện tốt khâu tiêm ngừa vắc-xin và xử lý chuồng trại sạch sẽ thì hiệu quả cao hơn trước rất nhiều. Trung bình mỗi năm tôi thu về gần 100 triệu đồng từ nguồn bán gà con và gà thịt”.
Anh Bùi Trường Giang ở ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông, cũng cho biết: "Gia đình tôi hiện đang nuôi trên 400 con gà nòi lai, chủ yếu là để bán thịt. Trong thời gian nuôi, gia đình tôi được nhân viên thú y xã xuống tận nhà hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng vắc-xin, nhờ vậy hơn 2 năm nay đàn gà của tôi lúc nào cũng phát triển rất tốt và chưa hề bị dịch bệnh. Trung bình mỗi năm tôi xuất chuồng bán 3 đợt, nhiều nhất là vào dịp gần Tết, sau mỗi vụ nuôi tôi thu về cho từ 25-30 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.
“Chuồng trại chăn nuôi cần phải được vệ sinh sạch sẽ, gia cầm nuôi cần phải được tiêm vắc-xin theo định kỳ. Ngoài ra, cần phải theo dõi đàn gà hằng ngày, khi thấy có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho nhân viên thú y để xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan”, anh Giang chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Thuấn, nhân viên thú y xã Tân Hưng Ðông, cho biết: “Xã Tân Hưng Ðông là một trong những địa bàn có số lượng gia cầm nhiều trong huyện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên hiện nay đa phần người dân có ý thức trong việc chăn nuôi. Bà con chủ động liên hệ với nhân viên thú y, báo về chính quyền địa phương số lượng nuôi để đàn gia cầm được tiêm ngừa vắc-xin theo đúng định kỳ”.
“Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, vài chục con theo quy mô hộ gia đình thì đa phần họ không báo, do đó mình phải chủ động đi điều tra lại số lượng nuôi của từng hộ. Ðến thời gian tiêm phòng sẽ tập trung các hộ lại để tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh, nhờ vậy mà nhiều năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra ổ dịch nào”, anh Thuấn cho hay.
Hiện toàn huyện Cái Nước có hơn 88.000 con gia cầm và trên 28.000 con gia súc. Mặc dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện chưa xuất hiện ổ dịch cúm nào, nhưng theo nhận định của ngành chuyên môn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn rất cao.
“Do phần lớn người dân chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chuồng trại tạm bợ, môi trường xung quanh khu vực bị ô nhiễm. Ðáng quan tâm là bên cạnh những hộ dân chấp hành tốt khâu phòng, chống dịch bệnh thì vẫn còn không ít hộ tỏ ra chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí, nhiều hộ dân khi nhập đàn mới về nuôi không rõ nguồn gốc, khi gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh thì tự đi mua thuốc về chữa trị mà không khai báo với ngành chức năng, đây là một trong những nguyên nhân xảy ra dịch bệnh”, ông Lý Hùng Hiển, Trưởng Trạm Thú y huyện Cái Nước, cho biết./.
Hồ Kim