Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 50,3% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản 23,6%, dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm khoảng 5%.
Đến nay, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký 28,6 tỷ USD, tiếp theo là Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc.
Ông Hải nhìn nhận, các DN FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến xuất khẩu với kết quả kim ngạch của các DN FDI chiếm tới 75%, trong đó có nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 95%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện chiếm 98%, máy móc thiết bị phụ tùng khác chiếm 91%...
Khối DN FDI là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Cụ thể, quý I-2013, DN FDI xuất siêu 1,18 tỷ USD góp phần đem lại thặng dư thương mại của cả nước ở mức 278 triệu USD.
Nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn của DN FDI chủ yếu là các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dây điện và dây cáp điện, vải các loại.
Phản ánh với lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện của nhiều DN FDI cho rằng, khi đầu tư ở Việt Nam họ gặp khó khăn về thủ tục hành chính, lao động…
Cũng tại buổi tọa đàm, một số DN đề nghị mở rộng diện DN được hưởng ưu tiên của hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, đưa vật tư vào sản xuất kinh doanh.
Phan Thu