Thi để...thay đổi
"Đến hẹn lại lên",ốtnghiệpTHPTbỏthitốtnghiệpTHPTcónênbỏthitốtnghiệtỷ số u23 việt nam hôm nay trong khi các tỉnh liên tiếp báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao cũng là lúc xuất hiện các ý kiến đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp.
Họ cho rằng, nếu đỗ 99% thì không cần thi vì thi là đỗ thì thi làm gì?
Lý luận này giống như việc nhà bạn có một cái khóa cửa rất tốt nên trộm không đột nhập được vào nhà. Thấy vậy, người hàng xóm bảo rằng: "Nhà anh có bao giờ bị trộm đâu, khóa cửa làm gì?".
Có nên đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Nó cũng giống như việc ông chủ của một công ty nào đó ra quy định "ai đến muộn bị trừ lương" thì gần như 100% nhân viên đi làm đúng giờ. Giả sử nếu bỏ quy định đó thì có nhiêu người sẽ chấp hành?
Hãy tưởng tượng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thi tốt nghiệp. Nếu thế sẽ có bao nhiêu học sinh chú ý học các môn xã hội, nếu các em đó xác định thi ĐH các khối A, B ? Có bao nhiêu em thi khối C lại chịu khó học Toán để rèn luyện tư duy ?...
Lúc ấy, liệu những người hôm nay đòi "phá" kỳ thi tốt nghiệp có "tha" không viết bài lên án chuyện học lệch, chuyện bỏ bê các môn học không thuộc khối thi ĐH ?
Cách thi tốt nghiệp hiện nay tuy cho các thí sinh được chọn môn nhưng vẫn xét thêm bảng điểm trong quá trình học. Đó là một cách đề vừa ngăn ngừa học lệch, vừa giảm tải, giúp các em được phát huy thiên hướng của mình.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã có tác động tích cực đến hoạt động dạy và học trong trường phổ thông. Đối với giáo viên, kỳ thi làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá. Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách thực chất hơn. Kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận thức của các em giúp phát huy hứng thú của các em, giúp các em định hướng nghề nghiệp sau THPT hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của người học...".
Trong khi vài năm nữa mới có chương trình và sách giáo khoa mới, để thay đổi cách dạy và học thì phải đổi mới cách thi. Nên thi tốt nghiệp chính là một trong các "cú hích" để đổi mới giáo dục.
Ví dụ với môn Văn, thay vì ra những đề "tầm chương trích cú", các giáo viên ngày nay sẽ khuyến khích các em xem thời sự trên tivi, tích cực đọc báo để cập nhật tình hình đất nước...để có nền kiến thức về xã hội. Đặc biệt, các bài tập sẽ cho phép các em được thể hiện suy nghĩ, cảm xúc thật của mình trước các vấn đề gần gũi với tuổi "teen". Nó là nền tảng cho người trẻ tự tin, trước khi bước vào đời.
Tiếp tục "cải tổ"
Có nhà giáo khẳng định, nếu thi nghiêm túc thì chỉ 60-70% đỗ tốt nghiệp, chứ không thể đạt được "số đẹp" trên 99%.
Điều này đặt ra thách thức với ngành Giáo dục phải nghiêm túc hơn nữa trong thi cử để tạo niềm tin cho công chúng.
Mà không chỉ ngành Giáo dục, các kỳ thi tuyển chọn chuyên viên, cán bộ vào cơ quan Nhà nước cũng cần nghiêm túc hơn, thực chất hơn.
Sau kỳ thi tốt nghiệp, các video và hình ảnh tố cáo tiêu cực trong phòng thi được tung lên. Có người thì hỉ hả vì "vớ" được "thóp" của người khác. Nhưng cũng có người phải suy nghĩ về việc, đề thi như thế đã hợp lý nhất chưa? Và ai đã khiến các em phải “phạm lỗi” ?
Hãy xem đề môn Toán: môn thi bắt buộc, yêu cầu học sinh phải tính tích phân, viết phương trình đường thẳng và mặt phẳng thỏa mãn yêu cầu nào đó, giải phương trình phải xét đạo hàm để tìm cực trị…. Với cách ra đề này, không phải học sinh trung bình nào cũng dễ dàng làm được.
Nhưng điều quan trọng hơn là tại sao các em phải làm những câu đó? Tại sao những học sinh muốn thành cử nhân kinh tế lại phải biết viết phương trình đường thẳng, tại sao những luật sư tương lai lại phải tính tích phân…Chúng tôi từng làm việc với nhiều kỹ sư trong nhiều ngành. Và họ cũng nói rằng, nhiều kiến thức về toán sơ cấp mà ngày xưa họ phải “cày” ác liệt thì ra trường hầu như không dùng đến. Tương tự với những kiến thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Người ta bảo rằng, ra những câu đó để rèn luyện tư duy. Nhưng sao không cho các em rèn luyện tư duy bằng những vấn đề đơn giản nhưng sát với thực tiễn. Ví dụ, nhà em có 10 triệu đồng, gửi ngân hàng 3 năm với lãi suất 12%/năm; hỏi sau 3 năm thì số tiền tăng lên bao nhiêu? Hoặc mỗi tháng em hết trung bình 300 nghìn tiền xăng đi làm, vậy khi giá xăng tăng thêm 5% thì số tiền xăng trung bình em phải chi là bao nhiêu?...
Điều nguy hại hơn là đằng sau những bài toán thi tốt nghiệp năm nay là biết bao cuốn sách học thêm, biết bao tiền cho con “học ngoài” đã vắt kiệt từng đồng dành dụm của các ông bố bà mẹ tần tảo nuôi con. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng, cho con học để “ấm vào thân”, để lập nghiệp sau này. Nhưng ít ai nói cho họ biết, nhiều kiến thức mà hàng ngày con mình đi học thêm, đều “vứt xó” mỗi khi các con ra trường, đi làm sau này. Bởi có bao nhiêu thầy cô ra đề tốt nghiệp chịu đi hỏi những kỹ sư, cử nhân khi ra trường có dùng kiến thức đó không? Bởi nhiều người không chịu hiểu rằng, thi tốt nghiệp là để đánh giá kiến thức cơ bản nhất, chứ không phải “hỏi xoáy” để chọn người vào ĐH.
Thay đổi đề các môn Xã hội, Bộ GD-ĐT đã được đông đảo dư luận đồng tình. Vậy tại sao các môn Tự nhiên bao năm nay vẫn không thay đổi? Câu trả lời nằm ở đôi tai của những nhà lãnh đạo biết lắng nghe dân; ở trái tim của những người làm giáo dục biết xót xa trước những lãng phí của việc học nhồi nhét, ở cái gật đầu chấp nhận cho môn học của mình bớt kiến thức đi, nhưng học trò lại được cơ hội học thêm nhiều thứ cần thiết với cuộc sống ngày nay hơn.
Hoàng Tuân