Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực lại tăng trưởng mạnh, đã tạo nguồn thu cho ngân sách, hỗ trợ nâng tổng thu 5 tháng ước đạt 667,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020.
Thu nội địa tháng 5 giảm 40 nghìn tỷ đồng so với tháng trước
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 5 ước đạt 98,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 75,9 nghìn tỷ đồng. Thu từ dầu thô ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 33 nghìn tỷ đồng, giảm 440 tỷ đồng so tháng trước và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ trong tháng ước khoảng 13,9 nghìn tỷ đồng.
Trên thực tế, từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại và lây lan nhanh trong cộng đồng ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân; kết hợp với việc triển khai gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nên số thu ngân sách tháng 5 giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng so với tháng 4.
Trên cơ sở số thu tháng 5, lũy kế thu NSNN 5 tháng ước đạt 667,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020 (thu ngân sách trung ương ước đạt 347 nghìn tỷ đồng, bằng 46,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 320,9 nghìn tỷ đồng, bằng 53,1% dự toán).
Trong đó, thu nội địa ước đạt xấp xỉ 552,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2020 (thu nội địa 5 tháng đầu năm 2020 đạt 38,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ năm 2019). Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu tiến độ thu đạt khá so dự toán (trên 42%).
Sở dĩ một số khoản thu nêu trên tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi khả quan của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020. Các chính sách tài khóa, tiền tệ đã thực hiện trong phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19 phát huy hiệu quả tích cực. Cùng với đó, một số ngành, lĩnh vực, như: sản xuất bia, sản xuất, lắp ráp ô tô, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, bất động sản,... tăng trưởng mạnh, tạo nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nếu không sớm khống chế được tình hình, đặc biệt là ở các địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và kết quả thu NSNN trong thời gian tới.
5 tháng đầu năm 2021, thu từ dầu thô ước đạt 15,96 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán. Thu từ xuất nhập khẩu ước đạt 98,4 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 261,7 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng chính có số thu ngân sách lớn tăng mạnh, như: ô tô nguyên chiếc các loại; sắt thép các loại tăng... đã góp phần tăng thu cho lĩnh vực này.
Đảm bảo các nhiệm vụ chi trong dự toán
Theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 125,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 581,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán.
Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách 5 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trung ương đã chi từ dự toán chi dự phòng ngân sách trung ương 2 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, Chính phủ đã xuất cấp 14,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp tết và giáp hạt đầu năm 2021.
Về công tác phân bổ giao dự toán chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã giao là 461,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,64% dự toán Quốc hội quyết định. Tổng hợp báo cáo của 50/50 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương, tổng số vốn đã phân bổ đạt 88,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn ngân sách trung ương đạt 82,3%; vốn ngân sách địa phương đạt 92,8%), có 34 bộ và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Các địa phương đã giao tăng dự toán chi đầu tư từ nguồn tăng thu (chủ yếu từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2020 chuyển sang) thêm 49,1 nghìn tỷ đồng.
56 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa Ước tính cả nước có 56 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 42%), trong đó 42 địa phương đạt trên 48% dự toán; 7 địa phương tiến độ thu đạt thấp; có 51 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương (Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh) có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều tăng, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 45,6% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 51,9% dự toán, tăng 20,2% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 53,5% dự toán, tăng 42,2% so cùng kỳ. |
Minh Anh