Phó chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ Trần Thị Đang cho biết, thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã không còn trường hợp gia đình có công thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ và Nhân dân phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, xã Hưng Mỹ còn kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong công tác này.
Sự hy sinh thầm lặng
Dẫn chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liên, 86 tuổi, ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, anh Nguyễn Trường Giang, công chức Thương binh - Xã hội xã Hưng Mỹ, hồ hởi nói: “Mẹ Liên được chi đoàn một cơ quan phụ trách nuôi dưỡng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sức khoẻ mẹ vẫn tốt và rất minh mẫn”.
Chỉ mới gần tháng nay, mẹ ngã bệnh khiến sắc vóc không còn tươi tắn như trước, đi lại phải có người giúp sức. Cứ ngỡ là thời gian đã trôi xa nên nỗi đau đã ngủ yên trong ký ức, nhưng khi nhắc nhớ về chuyện xưa, đôi dòng lệ mẹ lại trào tuôn. Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liên kể lại, chỉ trong vòng 2 năm (1971 và 1973) mẹ đón nhận 2 hung tin là chồng và con hy sinh. Nỗi mất mát ấy không có gì bù đắp được, mẹ phải cố gắng gượng dậy để nuôi dạy những người con còn nhỏ nên người.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liên, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước xúc động nhớ về những năm tháng xa xưa. |
Ngày giải phóng, mẹ Liên không quản nắng mưa, khó nhọc chỉ với mục đích duy nhất tích góp đủ tiền để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Và rồi, bằng nghị lực của mình, mẹ đã biến ước mong thành hiện thực. Sau khi con cái thành gia thất, mẹ sống cùng người con trai út, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Năm 2012, mẹ được Nhà nước hỗ trợ 35 triệu đồng để xây cất nhà mới. Từ khi có nhà đàng hoàng, cuộc sống của mẹ cũng thoải mái hơn.
Nỗ lực thời bình
Quyết tâm vượt lên số phận, ông Trần Văn Thiều, thương binh 4/4, ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ chí thú làm ăn và đã trả lại sổ cận nghèo. Không giống với nhiều người, ông Thiều bị thương khi chiến tranh đã lùi xa gần 20 năm. Lúc ấy, ông đang công tác tại cơ quan Hậu cần Công an tỉnh Cà Mau. Trong một lần đi giải toả bãi bồi, ông đã bị ném cây bị thương tại Ông Trang, xã Viên An. Sau đó, ông chuyển công tác về Văn phòng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau rồi xin nghỉ về địa phương.
Với 10 công đất nuôi tôm nhưng liên tục thất bát, cuộc sống gia đình ông Thiều thiếu trước, hụt sau. Sau khi tìm hiểu, ông mạnh dạn dèo tôm hầm đất để bán lẻ tại địa phương. Song hành cùng ông là người vợ chịu thương, chịu khó, mỗi ngày bà phải vất vả bán đồ ăn sáng ở chợ xã kiếm tiền nuôi con ăn học. Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, gia đình ông Thiều đã nỗ lực vươn lên thoát khỏi hộ cận nghèo.
Ông Thiều vui mừng chia sẻ: “Tôi vừa nhận được tin sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22 về hỗ trợ nhà cho người có công với cách mạng. Tôi rất mong đến ngày căn nhà được thi công để điều kiện sinh hoạt trong gia đình đỡ vất vả hơn”.
Đang lui cui phụ làm nhà cùng các chú thợ xây, bà Nguyễn Hồng Vân, 65 tuổi, thương binh 4/4, xã Hưng Mỹ, cho biết: “Do không có đất sản xuất nên tôi làm thuê đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Các con đều có gia đình riêng nên tôi sống một mình trong căn nhà nhỏ, tạm bợ. Nay thì ổn rồi, tôi vừa được chính quyền hỗ trợ xây dựng căn nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ”.
Bà Trần Thị Đang cho biết, tháng 4/ 2018, xã đã tổ chức xây dựng 22 căn nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ cho những hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở./.
Ngọc Trầm