Hơn chục năm nay,đấtcuốinămmổheothậhy lạp – ireland bà Lê Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, đã nhận những tờ tiền lẻ từ chị em phụ nữ quanh ấp, rồi bỏ heo, để dành cuối năm mua heo thật về chia thịt cho nhau...
Chị Thanh (phải) gần gũi, thân tình, hay đến thăm hỏi, chia sẻ với những hội viên phụ nữ ở ấp.
Năm nào cũng vậy, cứ tới 28 tết âm lịch, nhà của chị Thanh lại đông đúc như khu chợ nhỏ, các gia đình hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Đông Mỹ tập trung đến nhà Chi hội trưởng để chia thịt heo về ăn tết. Đây là số thịt heo tương ứng với số tiền đóng góp mỗi tuần 5.000 đồng, của những hội viên có hùn tiền nuôi heo đất từ đầu năm. Chị Nguyễn Thị Kim An, vào 2 suất nuôi heo đất hàng tuần (10.000 đồng/tuần), chia sẻ: “Mỗi tuần mình góp 10.000 đồng, một năm tính ra khoảng 50 tuần, coi như đóng được 500.000 đồng. Hồi 28 tết vừa rồi nè, mỗi suất đóng được chia 3kg thịt. Heo thịt do chị em hội viên Chi hội Phụ nữ ấp nuôi rồi bán lại, chị Thanh và mấy chị em khác chịu trách nhiệm đi mướn làm heo, sau đó chở về chia thịt”.
Nói về chuyện chia thịt, chị Thanh cho biết, mỗi năm tới Tết Nguyên đán mới chia, hai con heo hơn 200kg, mỗi người được 3kg thịt. “Thú thiệt, chia cái này khó, nếu đi mua ở chợ, mỗi người có thể tự lựa chọn phần thịt mình cần, mình thích, nhưng khi chia thế này, không đến nỗi là chia đồ dư đồ thừa đâu, nhưng được cái chị em nhường nhịn, san sẻ nhau. Chị hai lấy giò, thì chị ba lấy ba rọi, chị tư lấy sườn… Chia xong ở lại ăn chén cháo như gia đình lớn sum họp, uống cốc rượu để gắn bó hơn”, chị Thanh cho biết.
Hơn 10 năm trước, chuyện bỏ ống heo bằng tiền lẻ mỗi tuần, đã được chị Thanh họp bàn cùng chị em phụ nữ quanh ấp thực hiện, “Hồi đó, mỗi tuần chỉ gom 2.000 đồng thôi, được hơn 30 chị em cùng tham gia, rồi đến lúc mần heo, nếu thấy con vừa vừa thì khỏi hùn thêm, nếu cuối năm thấy nhu cầu nhiều, mua heo vượt quá số tiền đã đóng, sẽ chia ra mỗi người hùn thêm ít tiền để làm heo. Ngày xưa, gần tết làm heo chia thịt vui dữ lắm. Trước đây, đời sống người dân cũng khó khăn, nên được 2kg thịt heo coi như được cái tết đầy đủ rồi. Tết nhứt ngày đó, món chính vẫn là thịt heo kho hột vịt”.
Đời sống chị em phụ nữ ấp Đông Mỹ giờ đây đã khá giả hơn trước nhiều, điều kiện ăn uống tốt hơn, chợ thị trấn gần ấp, nhưng nét đẹp bỏ ống tiền lẻ, để cuối năm ăn thịt heo thật vẫn được duy trì và giờ đã có hơn 60 chị em tham gia. Do số lượng đông khó kham nổi chuyện chia chác cuối năm, nên chị Thanh có bàn với chị em là duy trì số lượng vừa phải, để khâu chia thịt được làm thật tốt. Ngày xưa đóng tiền ít, mỗi người được 1,8-2kg thịt heo ăn tết, sau đó đóng tiền nhiều thêm, số lượng thịt heo cuối năm chia nhiều hơn. Một phong trào nhỏ nhưng có nhiều ý nghĩa, đã tạo sự gắn bó, chia sẻ, cùng đoàn kết và đặc biệt là mang nét đẹp xóm làng có nhau của những chị em phụ nữ nông thôn.
Ở ấp, chị Thanh cũng là người tiên phong đề xuất và thực hiện nhiều phong trào thiết thực tại ấp. Như con lộ đi ngang qua ấp Đông Mỹ bị “ổ gà”, xuống cấp, để đi lại thuận tiện, nhất là cho học sinh đến trường, chị Thanh vận động nhà nào có lộ bị lở, sẽ trả tiền đá lấp nơi đó, nhiều năm khi chưa có kế hoạch xây lộ cho ấp, chị đều đi vận động người dân quanh đây cùng hùn tiền đổ đá cho mấy “ổ gà”, để chạy xe không bị sụp, gây nguy hiểm, nhất là ban đêm.
Chị Thanh là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ tiết kiệm vay vốn của ấp Đông Mỹ. Số tiền hàng năm các chị em đóng góp từ 500-600 triệu đồng. Cuối năm, chị đều trả lại tiền chị em gửi cả gốc lẫn lãi minh bạch, nên nhiều năm nay, Tổ phụ nữ tiết kiệm vay vốn ấp luôn được duy trì và nhận được sự tin tưởng của chị em.
Người phụ nữ này là điển hình tiêu biểu được Huyện ủy Châu Thành khen thưởng qua sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chị làm được nhiều việc và được chị em tin tưởng, bởi chị luôn nhiệt thành, lấy hiệu quả công việc đặt lên trên hết, luôn minh bạch, công khai những vấn đề liên quan đến tiền bạc, quan tâm chị em hội viên, cùng xây dựng chi hội phụ nữ đoàn kết, san sẻ và biết giúp đỡ lẫn nhau.
Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN