(CMO) Ở Kênh Phèn (ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước), người dân đã quen cảnh sử dụng điện chia hơi và không có lộ. Bao năm qua, họ vẫn mong chờ một ngày Kênh Phèn thay da đổi thịt.
Tuyến kênh này dài khoảng 2,5 cây số đường đất, lưa thưa những căn nhà, có vài nóc nhà lợp mái lá theo kiểu quê xưa, trước nhà là những chiếc vỏ lãi nằm phơi mưa nắng. Ông Chín Sum (Đặng Văn Sum), Phó trưởng ấp Giải Phóng, chỉ tay vào mé vuông, thở dài: “Đó, nước vuông của bà con có màu đỏ nhạt, chứng tỏ có rất nhiều phèn, tôm cá cũng “chạy”, được có bao nhiêu đâu…”.
Hoang sơ Kênh Phèn
Do không có cầu, bà con ở Kênh Phèn phải qua sông bằng bè tự tạo. |
Ông Chín Sum phân tích, trước khi chuyển qua nuôi tôm (trước năm 2000), bà con tháo nước ra kênh để trồng lúa, dần dần qua bồi đắp, rồi qua 2 lần sên vét, con kênh dần nới ra. Trước đây Kênh Phèn chiều ngang chỉ có 3 m, còn giờ thì khoảng 8 m, ghe xuồng lưu thông rất dễ dàng. Đặc biệt, mùa nắng nước sông có màu đỏ đục nên ở đây được gọi chết danh là Kênh Phèn.
Tuyến kênh hiện có 54 hộ dân sinh sống, chỉ có 3 hộ cận nghèo nhưng tỷ lệ hộ khá giàu thì lại thấp. Ngót 5 năm làm Phó trưởng ấp, ông Chín Sum vẫn không khỏi trăn trở về cuộc sống người dân Kênh Phèn so với các kênh còn lại của ấp Giải Phóng.
Kênh Phèn nằm cạnh Kênh Ranh, kênh Giải Phóng và kênh Bến Đìa. Bà Chín Lan (Tạ Phương Lan) không khỏi xót lòng: “Ấp này thiệt ngộ, chỉ có Kênh Phèn là khổ, ở mấy khúc kênh kia đất đai màu mỡ lắm, trồng cái gì cũng tốt hết, đâu có như Kênh Phèn đâu”.
"Nói có sách, mách có chứng", ông Chín Sum dẫn tôi đến nhà chị Thái Như Ý. Xung quanh nhà chị là những luống rau nhỏ cùng bắp, sả, ớt, quế… Chị Ý phân trần: “Đất ở đây khó trồng lắm, cỏ cũng khó mọc vì nhiễm phèn trắng, trồng được như thế này tôi phải xin đất ở cuối kênh mang về. Chúng tôi ở đây chỉ trông chờ vào con tôm, con cá”.
Ngày ngày chị Ý cùng chồng đặt lú dưới sông để kiếm thêm thu nhập. Chị có 3 công đất nuôi tôm quảng canh, 2 năm nay vợ chồng chị mua thêm 60 cái lú để đặt dưới sông kiếm thêm nhưng chẳng được bao nhiêu. “Ở đây vuông ai cũng thất hết, thả tôm xuống là quạng (tôm chết - PV). Một con nước tính ra cũng được một triệu mấy, chỉ đủ ăn, đủ sống thôi”, chị Ý rầu rĩ.
Ông Chín Sum đang lo lắng về việc sử dụng điện, vì còn khoảng 400 m điện được người dân kéo chia hơi. Dây điện thấp, mắc vào cây nhỏ không đảm bảo an toàn, nguy hiểm tiềm ẩn. Ông Chín Sum cho biết, do sử dụng điện chia hơi nên giá điện cao, khoảng 4.000 đồng/kWh. Mỗi hộ chỉ sử dụng một số vật dụng cơ bản như bóng đèn, quạt gió, nồi cơm điện… thậm chí ít hộ sử dụng ti vi do nguồn điện rất chập chờn.
Ở Kênh Phèn do không có lộ nên nhà nào cũng phải có xuồng máy để đưa con em đi học. Những lúc trời mưa thì càng khó hơn, khi đàn ông đi làm thuê, phụ nữ ở nhà phải lo mọi việc. “Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri (1 năm từ 2-3 lần), tôi có kiến nghị, sau đó bà con chỉ biết chờ mà thôi. Bây giờ mong mỏi lớn nhất là về điện, lộ để bà con mang con cá, cọng rau ra đầu kênh bán, thương lái không còn ép giá khi phải xuống tận kênh để cân từng con tôm, con cá nữa”, ông Chín Sum rầu rĩ.
Nhiều nỗi lo
Có một điều đặc biệt không ai giải thích được, là khoảng nửa kênh còn lại, đặc biệt là cuối kênh, đất đai có phần màu mỡ hơn, bà con có thể trồng trọt, chăn nuôi, nhưng một số hộ không có đất sản xuất lại canh cánh nỗi lo. Ông Chín Sum phân trần, ở tuyến kênh này do mất mùa nên khoảng 20 hộ đi tha phương, ai mướn gì mần nấy chứ trông chờ vào vuông tôm thì… khổ lắm.
Ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Làm, hộ cận nghèo ở kênh, không đất sản xuất. Ngày ngày anh Làm đi làm thuê để lo cho con ăn học. Anh tâm sự: “Mặc dù khó khăn nhưng tôi vẫn phấn đấu để vươn lên, đâu thể nào trông chờ vào Nhà nước hoài được. Mỗi ngày tôi đi đào đất mướn thu nhập khoảng 250 ngàn đồng, cũng phải ráng”.
Chị Thái Như Ý, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước vá lại lú để chuẩn bị đặt dưới sông, kiếm thêm thu nhập. |
Chị Nguyễn Cúc Hoa, vợ anh Làm, nói giọng buồn buồn: “Con gái học lớp 8 mà giờ phải nghỉ học lên TP Hồ Chí Minh làm thuê. Năm nay nếu nó còn học thì cũng lớp 12 rồi”.
“Hồi đó ở đây có điểm trường Giải Phóng, đầu năm nay xoá điểm lẻ, con tôi phải sang điểm trường ở ấp Trần Mót để học. Nhà cách trường khoảng 5 cây số, có khi nó học 2 buổi thì tôi phải theo nó suốt”, chị Hoa kể tiếp.
Vừa nhận được chiếc xe đạp vào đầu năm học do nhà hảo tâm tài trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, em Nguyễn Khắc Thuần, lớp 4 (con trai anh Làm), nói: “Con thích đi học bằng xe đạp mà ở đây lại không có lộ. Hàng ngày con phải đi học bằng xuồng”. Nói xong, em lại đạp xe vòng vòng khoảng sân nhỏ trước nhà. Ngó đi ngó lại, ở cuối kênh vẫn chưa có lộ. Mỗi ngày, khoảng 11 giờ 30 phút, nhìn dọc theo con kênh nhỏ sẽ thấy những chiếc vỏ lãi nối tiếp nhau chở học sinh đi học về.
Vẫn còn nhiều thắc mắc nữa về Kênh Phèn, nên tôi tìm đến nhà ông Năm Thiệt (Nguyễn Văn Thiệt). Trải qua hơn 40 năm sống ở đất này nên ông là người hiểu rõ nhất những đổi thay ở đây. Ông Năm Thiệt giải thích, có thể do cuối kênh là đất đồng, còn đầu kênh là đất rẫy, kết cấu đất khác nhau. Ở tuyến kênh này, ông Năm Thiệt là hộ có đời sống ổn định. Ông là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi nên những lần họp cựu chiến binh ấp hay xã, ông là người đưa ra những kiến nghị cho Kênh Phèn được khởi sắc. Ông Năm khẳng định: “Nếu có điện, có đường thì cuối kênh cũng như đầu kênh, ai cũng sẽ khá lên”./.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước Lê Kha Nưa cho biết, hiện tuyến Kênh Phèn đã được nạo vét, đảm bảo sản xuất của Nhân dân. UBND xã cũng đã kiến nghị Sở Công thương ghi vốn, đầu năm 2019 sẽ đầu tư điện. Riêng lộ thì UBND xã vận động người dân làm mặt bằng đất đen trước, sau đó triển khai phần bê tông. Ngoài ra, UBND xã đã vận động được đơn vị tài trợ bắc cầu ở cuối kênh vào cuối năm nay. Chỉ mong rằng Sở Công thương và ngành điện ưu tiên, sớm đầu tư lưới điện để đảm bảo việc sinh hoạt cho bà con. |
Nhật Minh