Chuối Việt Nam lần đầu xuất hiện tại thị trường bán lẻ Hàn Quốc | |
Tiềm năng xuất khẩu tôm sang Canada | |
Không tăng thuế xuất khẩu phosphor vàng | |
Xuất khẩu khởi sắc, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD trong tháng 5 |
Tương quan kim ngạch 3 nhóm hàng chủ lực trong 5 tháng đầu năm 2019 và 2020, đơn vị "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình. |
Hồi phục nhưng vẫn “âm”
Theo Tổng cục Hải quan, sau khi giảm mạnh trong tháng 4, tháng 5 trị giá xuất khẩu của cả nước đã quay lại đà tăng trưởng, đạt 19,19 tỷ USD tăng 9,1% so với tháng trước.
Trong đó, có những nhóm hàng có mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,93 tỷ USD, tăng 428 triệu USD tương ứng tăng 17,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,40 tỷ USD tăng 360 triệu USD, tương ứng tăng 11,9%; hàng dệt may đạt 1,87 tỷ USD tăng 257 triệu USD tương ứng tăng 16%...
Hết tháng 5, trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 100,21 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, hàng dệt may có mức giảm mạnh nhất, đạt 10,56 tỷ USD giảm 13,6% tương ứng giảm 1,66 tỷ USD.
Điện thoại các loại và linh kiện mặc dù là nhóm hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất, đạt 18,31 tỷ USD nhưng cũng là nhóm hàng có mức suy giảm lớn (đứng thứ hai), giảm 7,1% tương ứng giảm 1,41 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại sang EU đạt 3,97 tỷ USD, giảm 24,7%; xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trị giá 3,39 tỷ USD, giảm 10,1%; sang thị trường Trung Quốc đạt 3,21 tỷ USD, tăng gấp 3,2 lần; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,11 tỷ USD, tăng 3,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Đối với nhóm hàng dệt may, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với trị giá đạt 4,84 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các vị trí đứng tiếp theo là thị trường Nhật Bản với 1,39 tỷ USD, giảm 4,1%; thị trường EU với 1,26 tỷ USD, giảm 19%...
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm duy nhất trong Top 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực có tăng trưởng dương.
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,53 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 4,32 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các vị trí tiếp theo là Mỹ đạt 3,48 tỷ USD, tăng gấp 1,95 lần; EU đạt 1,98 tỷ USD, giảm 3%; thị trường Hồng Kông đạt 1,23 tỷ USD, tăng 35%; Hàn Quốc đạt 1,06 tỷ USD, giảm 8,4%...
Doanh nghiệp FDI sụt giảm
5 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 120,17 tỷ USD, giảm 6,2%, tương ứng giảm 7,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 65,55 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 54,62 tỷ USD, giảm 5,9% so với 5 tháng/2019.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong 5 tháng đầu năm lên mức thặng dư trị giá 10,9 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,2%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, đạt 126,42 tỷ USD, giảm 4,4 % so với cùng kỳ năm 2019.
Trong các châu lục, châu Mỹ đạt 38,56 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019 và là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu đạt 24,35 tỷ USD, giảm 7%; châu Đại Dương đạt 3,91 tỷ USD, tăng 1,9% và châu Phi đạt 2,38 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019.