Đến hơn 9h30, Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết, chỉ có 98 cổ đông đến họp, đại diện sở hữu hơn 52 triệu cổ phần và chiếm tỷ lệ 46,5% tổng cổ phần có quyền biểu quyết (thấp hơn mức quy định tối thiểu là 51% cổ phần với ĐHCĐ lần 1). Do đó, ĐHCĐ của JVC không đủ điều kiện tiến hành.
Mù mờ số liệu báo cáo
Dù vậy, các cổ đông yêu cầu chuyển thành cuộc đối thoại của ban lãnh đạo công ty để cung cấp thông tin về “sức khỏe” của JVC.
Một số cổ đông đã nghi ngờ tỷ lệ cổ đông tham dự không chính xác. Sau khi kiểm tra lại, Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết, tổng số cổ đông tham dự là 113 người, chiếm tỷ lệ 48,3% nên ĐHCĐ vẫn bất thành.
Theo cổ đông, tài liệu họp (báo cáo tài chính, báo cáo của HĐQT, Ban kiểm soát, sơ yếu lý lịch của thành viên HĐQT…) đều rất sơ sài, thiếu thông tin. Các số liệu phản ánh trên báo cáo như: công nợ, nợ vay, lợi nhuận, chi phí, tiền tồn quỹ… cũng khiến cổ đông nghi ngờ mức độ chính xác, dù báo cáo giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/3/2015 đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán KPMG.
Trước và cùng thời điểm diễn ra ĐHCĐ, trang thông tin của Công ty JVC vẫn không thể truy cập được nên cổ đông không được tiếp cận thông tin, tài liệu họp.
Sự cố ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty bị khởi tố, giá cổ phiếu JVC trên sàn lao dốc “không phanh”, bán tháo ồ ạt trên diện rộng. Từ cổ phiếu sáng giá trên sàn với giá hơn 24.000 đồng/CP, thì đến phiên ngày 30/9 giá cổ phiếu JVC chỉ còn 5.100 đồng/CP, có thời điểm giá cổ phiếu này còn giảm xuống chỉ còn 4.000 đồng/CP.
Các cổ đông đến dự họp lập tức yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải đối thoại, giải tỏa những nghi vấn của cổ đông về tình hình hoạt động JVC. Vì họ đã không thể tiếp cận được thông tin chính thức từ công ty, cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng qua email, điện thoại, làm việc trực tiếp…
Trước sức ép của cổ đông, ông Lê Văn Giáp, tân Chủ tịch HĐQT vừa được bầu bổ sung đã xuất hiện, đối thoại với cổ đông. Về nguyên nhân ông Lê Văn Hướng bị khởi tố, bắt tạm giam và cổ phiếu JVC lao dốc, ông Giáp cho biết: “Việc điều tra ông Hướng vẫn đang tiếp tục, chưa có kết luận cụ thể. Còn giá cổ phiếu giảm sâu chỉ là do tin đồn”.
Ông Giáp đã từng sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu nhưng hiện ông Giáp chỉ còn nắm 200.000 cổ phiếu JVC.
Tiền tăng vốn “chạy” đi đâu?
Thay mặt ban lãnh đạo JVC, bà Hồ Bích Ngọc, kế toán trưởng JVC đã gửi lời xin lỗi tới cổ đông vì sự cố của ông Lê Văn Hướng đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư vì cổ phiếu giảm giá sâu. "Đây là sự cố bất khả kháng, ban lãnh đạo công ty cũng rất nỗ lực “chèo lái” để ổn định hoạt động, triển khai các dự án, bán hàng, tạo dòng tiền…"- Bà Ngọc phát biểu
Trả lời chất vấn của cổ đông, bà Ngọc khẳng định: “Tài sản của công ty vẫn còn nguyên, không có chuyện tẩu tán đi, mất mát. Tất cả dự án đầu tư vẫn còn nguyên và hoạt động bình thường”.
Theo bà Ngọc, vào tháng 4/2015, JVC đã mời kiểm toán vào kiểm kê tất cả các kho hàng tại Hà Nội và TP.HCM, kiểm tra tiền trên tài khoản, sổ sách kế toán… Tuy nhiên, khi ông Lê Văn Hướng bị khởi tố, Cơ quan điều tra đã thu giữ các tài liệu sổ sách kế toán của công ty và niêm phong lại nên đã ảnh hưởng tới việc chậm phát hành Báo cáo tài chính quý 1/2015. Công ty cũng đã bị Ủy ban chứng khoán nhắc nhở nhiều lần việc chậm công bố báo cáo tài chính định kỳ này.
Ban lãnh đạo công ty cũng thừa nhận sự cố vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động, hình ảnh, uy tín của JVC. “Hiện nay, các dự án bán hàng cũng bị ảnh hưởng, khó khăn do bị mất uy tín, suy giảm hình ảnh vì sự cố này. Sang năm 2016, chúng tôi sẽ cải thiện hình ảnh và các bệnh viện vẫn hỗ trợ chúng tôi”- bà Ngọc khẳng định.
Liên quan đến tình hình kinh doanh, dòng tiền, các cổ đông yêu cầu công bố lợi nhuận Quý 1 và 6 tháng đầu năm. Ban kiểm soát công ty lưu ý, tại ngày 31/3/2015, công nợ phải thu khách hàng đã tăng mạnh, lên 650 tỷ đồng so với mức 407 tỷ đồng của đầu năm 2014.
Bà Hồ Bích Ngọc cho biết, sau sự cố của ông Lê Văn Hướng, tiền tăng vốn 750 tỷ đồng vẫn còn trên tài khoản vì dự án chưa được triển khai. Tuy nhiên, ngân hàng chủ nợ - Vietinbank đã yêu cầu JVC giảm dư nợ về bằng 0 và chờ công ty ổn định mới xem xét giải ngân tiếp. “Ban lãnh đạo đã họp với ngân hàng nhiều lần song ngân hàng không đồng ý, vẫn cưỡng chế cắt tiền trên tài khoản. Sau khi cắt tiền, tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn chỉ còn 80 tỷ đồng”- Bà Ngọc nói.
Đến thời điểm này, JVC đã cắt giảm đáng kể các chi phí tài chính, hiện chỉ còn trả lãi khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi tháng (trước đây trả lãi 3-4 tỷ đồng/tháng).
Về khoản phải thu hơn 600 tỷ đồng, công ty này cho biết đã tích cực đôn đốc, thu hồi và đến 30/6/2015 chỉ còn 400 tỷ đồng. Giá trị tồn kho hàng hóa cuối 2014 là hơn 400 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý 1/2015 đã giảm còn hơn 200 tỷ đồng. “Khi công ty xảy ra biến cố, phần vốn vào công ty đã bị cắt giảm và ngân hàng cũng chững lại. Do đó, ban lãnh đạo đặt nhiệm vụ trong tâm là tập trung thu hồi công nợ và kiểm soát tốt dòng tiền”, bà Ngọc cho biết.
Bà Hồ Bích Ngọc cũng bác bỏ thông tin các cổ đông nước ngoài rút vốn sau khi nhóm cổ đông Nhật Bản có động thái rút người khỏi ban điều hành ngay trước thềm ĐHCĐ. Nhóm cổ đông DI Asian Industrial Fund có lộ trình thoái vốn dần khỏi JVC trong năm 2016-2018. Tuy vậy, do sự cố khủng hoảng này nên họ đã quyết định tiếp tục đầu tư, lùi kế hoạch thoái vốn sang năm 2019-2020./.
Hải Hà