Thời hiện đại,ãylàmmónngonbổsạket qua duc 2 mạng xã hội lên ngôi đã khai sinh thêm nhiều nghề mới lạ, lại còn hái ra tiền, trong đó YouTube là một công việc đang được nhiều người thử sức. Dân công sở thường chỉ vào mạng xem video những lúc rảnh rỗi và xem xong bỏ qua không bình luận. Nhưng với thanh niên các miền quê, đã có “dế thông minh” là “ghiền” mạng lắm. Thông tin mới, đặc biệt những tin nóng về các vụ án mạng, đánh ghen, ca sỹ có bài hát mới, YouTube nào có clip hot họ đều biết ngay, cổ vũ hào hứng, nhiệt tình like và chia sẻ cho bạn bè... Ngay cả lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên và người già cũng lướt mạng sành điệu không kém, vì vậy mới có những con số khủng, 1 clip vừa đưa lên trong ngày đã có hàng triệu view.
Trên YouTube, những video giả khủng bố, những thử thách nguy hiểm, những cách ăn uống phản cảm, video hài… đang hút khách. Hiện đang có rất nhiều những tranh luận xung quanh nội dung những video này, đó là nội dung ngày càng đi xuống, mất đi tính sáng tạo. Thậm chí có những video có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ.
Ảnh minh họa |
Có thể kể đến các video “đừng bao giờ khinh thường người khác” xuất hiện tràn lan, những món ăn “siêu to khổng lồ” trên Bà Tân Vlog đã mang đến sự yêu thích từ cộng đồng mạng, nhưng gần đây đã trở thành nhàm. NTN Vlogs với hơn 8 triệu lượt đăng ký nhưng lại toàn video về những thí nghiệm hay thử thách không giống ai. Còn có cả series nhặt đồ trong thùng rác, với những món đồ nhặt được như là điện thoại xịn, máy ảnh, tiền, súng, khiến người xem nghi ngờ tính trung thực của nó?
Với nhận thức còn non nớt của trẻ em, một số video gây tò mò, nếu trẻ em bắt chước có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, những YouTube thể hiện cuộc sống ăn chơi, phá phách còn được thanh thiếu niên yêu thích như một thần tượng, và còn kiếm được rất nhiều tiền từ số lượng view của những video đó, trường hợp của Khá Bảnh là một ví dụ.
Nói như trên mới chỉ thấy những mặt trái từ mạng xã hội, YouTube. Công bằng mà nói, qua mạng chúng ta học được rất nhiều và rất dễ dàng các kiến thức, kỹ năng cần cho cuộc sống, cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí rất đa dạng. Tuy nhiên, với những nội dung thật giả lẫn lộn như thế này, người xem khó có thể lọc ra được đâu là video rác, đâu là video chất lượng cao. Dư luận gần đây đã lên tiếng về những video phản cảm, như việc ngày 3/10, Nguyễn Văn Hưng (ở Bắc Giang, được biết đến với biệt danh Hưng Vlog, con trai bà Tân Vlog) đã vấp phải chỉ trích của dư luận khi đăng video dạy cách trộm tiền trong heo đất. Trước đó, Hưng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì đã đăng tải video nấu một nồi cháo với con gà để nguyên lông.
Vào tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn làn video có nội dung nhảm nhí, giật gân. Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video nhảm nhí, có nội dung giật gân để lôi kéo nhiều lượt xem với mục đích kiếm tiền. Đáng ngại, những video này phần nào ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của trẻ em. Trong khi đó, việc kiểm soát nội dung các video này còn có bất cập.
Để có một cộng đồng YouTube sạch, trước tiên chúng ta phải lọc hết những nội dung “rác”. Tuy nhiên trên thực tế, việc rà soát nội dung của hàng trăm nghìn video là vô cùng khó khăn, chưa có một công cụ nào có thể đảm nhận tốt công việc này. Bộ Thông tin và Truyền thông đang có những động thái rất quyết liệt để phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook gỡ bỏ thông tin xấu độc, tạo ra một cộng đồng YouTube lớn mạnh hơn, mang lại những điều tích cực cho người Việt Nam.
Ở góc độ khác, ngoài hướng xử lý về pháp luật, chúng ta rất cần một cộng đồng mạng tỉnh táo, những “quan tòa lương tâm”. Cần có những làn sóng phản ứng hay phản đối rõ ràng tới từ cư dân mạng - những người xem ngày càng “tỉnh” của mạng xã hội.
Hoàng Giang