Người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên mạng chỉ trong vài phút đặt hàng. Ảnh tư liệu |
Hơn 5.576 gian hàng vi phạm
Các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các website bán hàng, các ứng dụng sàn giao dịch TMĐT trên các thiết bị di động. Người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận cửa.
Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%). Tuy nhiên, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, đồng thời với tiện ích nêu trên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Lê Thị Hà cho biết năm 2023, Cục TMĐT và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (đặc biệt đối với các sàn có kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia) và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Kết quả đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị tiếp tục yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm là thực phẩm bổ sung Sure Asia Gold do Công ty TNHH Nuôi dưỡng lòng biết ơn quốc tế Asia sản xuất. Yêu cầu nhiều sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng phối hợp, rà soát các sản phẩm đông y không rõ nguồn và mỹ phẩm được phân phối bởi Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế STBE và Công ty TNHH thương mại quốc tế KARITA như Melasma TCA (serum phân giải sắc tố), Repair Factor Enyzm Peptide (siêu phục hồi – làm dịu da tổn thương), Nano Detox (tinh chất đào thải sắc tố da)...
Kết quả, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm. Để kiểm soát tình trạng này, Cục TMĐT và Kinh tế số đề xuất Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
Cần sự chung tay từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng
An toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Tuy nhiên, trao đổi với PVTBTCVN, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, việc đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó rất phổ biến là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm diễn ra phức tạp, đặc biệt là trên môi trường TMĐT. Một trong những khó khăn hiện nay là khi cơ quan chức năng phát hiện hàng giả hàng nhái thương hiệu, thông báo đề nghị hợp tác thì không ít doanh nghiệp thờ ơ, né tránh.
“Để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung, đặc biệt là thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người dân, cơ quan chức năng cần sự chung tay ủng hộ từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng” - ông Thân Đức Công chia sẻ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Thị Hà cho hay, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa cục và các đơn vị liên quan như lực lượng quản lý thị trường, cơ quan công an, Cục An toàn thực phẩm... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, các chuyên gia kinh tế cùng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT, đào tạo cho các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý nhà nước nắm rõ các quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi trong công tác chuyên ngành liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật như tăng cường công tác cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI... để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm.
Sớm vận hành trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị đề xuất một số giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trên TMĐT trong thời gian tới, trong đó, ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, sớm vận hành trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng. |