Một 2018 "trầy da tróc vảy"
Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel): Trong năm 2018, tổng lợi nhuận sau thuế của 38 DN có vốn đầu tư của VnSteel chỉ đạt hơn 1.212 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2017. Trong đó, chỉ 14 công ty hoàn thành kế hoạch, có mức tăng trưởng, còn lại rất nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch hoặc hoàn thành nhưng không có tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2018 vẫn còn 1 công ty con của VnSteel là Thép tấm miền Nam và 8 công ty liên kết bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc VnSteel cho hay: Năm 2018, hầu hết các công ty trong hệ thống đã bảo toàn được vốn, tuy nhiên, vẫn còn đơn vị chưa thoát khỏi lỗ lũy kế hoặc có nợ khó đòi. Tình hình thị trường năm 2018 khó khăn chung nên khá nhiều đơn vị kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài ra, do các đơn vị quản trị và nhận định thị trường chưa tốt nên hiệu quả kinh doanh thấp, giảm sút. Trong những năm gần đây, VnSteel không có thêm dự án mới với quy mô lớn đi vào hoạt động, trong khi đó một số dự án hết hạn, không hiệu quả phải dừng hoạt động nên không có khả năng tăng trưởng về sản lượng, thị phần. Tuy vậy, ông Phúc cũng thừa nhận: "Năng lực sản xuất của nhiều đơn vị đã chạm giới hạn. Nhiều đơn vị năng lực sản xuất còn hạn chế, công nghệ cũ, công suất thấp. Vì vậy, các đơn vị này gặp nhiều bất lợi khi đối mặt với các nhà máy mới gia nhập thị trường hay gia tăng công suất với công nghệ mới hiện đại...", ông Phúc nói.
Xét sâu về mặt mặt hàng tiêu thụ, càng thấy rõ hơn rằng 2018 là một năm "trầy da tróc vảy" của ngành thép Việt khi sản lượng tiêu thụ nhiều mặt hàng đi xuống. Ông Phạm Công Thảo- Phó Tổng giám đốc VnSteel cho biết: Sản xuất, tiêu thụ thép xây dựng của Tổng công ty đạt trên 101% kế hoạch đề ra và tăng trưởng 5% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt trên 3,29 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thép cán nguội, tôn mạ và ống thép đều giảm sút so cùng kỳ năm trước và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị cũng khá thấp, nhiều đơn vị không có lãi. Cụ thể, thép cán nguội tiêu thụ 396.800 tấn, đạt 84% kế hoạch, giảm 34% so cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ tôn mạ đạt trên 282.500 tấn, đạt 97% kế hoạch, giảm 7% so cùng kỳ năm trước. Ống thép tiêu thụ trên 31.700 tấn, đạt 81% kế hoạch, giảm 14% so cùng kỳ năm trước.
"Giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng luôn duy trì ở mức cao, chỉ đến cuối năm 2018 mới suy yếu. Trong nước, thị trường thép sau mạ và thép cuộn cán nguội năm 2018 tăng về sản lượng nhưng do tình trạng cung vượt quá cầu, thị trường XK sụt giảm về cuối năm. Các nhà sản xuất tôn mạ do chịu áp lực bán hàng giành thị trường nên đua nhau giảm giá. Đặc biệt, một số nhà sản xuất khó khăn về tài chính nên bán hàng bằng mọi giá, khiến giá bán liên tục giảm kéo theo lợi nhuận giảm", ông Thảo phân tích.
Mịt mờ 2019
Trong năm 2019, ngành thép thế giới dự báo nhu cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức tăng dự kiến 1,4% so với năm 2018. Tại thị trường trong nước, kinh tế được dự báo duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang được đẩy mạnh tạo cơ hội cho các DN phát triển. Ngành thép dự báo vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng tốt, tuy nhiên các DN sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn.
Theo VnSteel, khó khăn điển hình là nhu cầu thép trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Một số dự án đầu tư công tạm dừng và chưa rõ thời điểm triển khai lại; thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Bên cạnh đó, cung lớn hơn cầu về phôi thép, thép xây dựng, CRC, tôn mạ và tiếp tục gia tăng khiến cuộc cạnh tranh về giá sẽ là yếu tố chính trên thị trường. Khoảng cách giá nguyên liệu và sản phẩm ngày càng thu hẹp khiến hiệu quả của các DN sản xuất từ thép dài và thép dẹt sẽ bị sụt giảm nhiều trong năm 2019.
Ngoài ra, ông Thảo nhấn mạnh: Xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép. Việc áp các mức thuế chống bán phá giá từ các nước Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... khiến cho XK thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng chi phí DN. Một số đơn vị mất cân đối tài chính nghiêm trọng, dẫn đến khả năng ngân hàng tiếp tục đưa ra các biện pháp siết chặt tín dụng cho các DN cán nguội và tôn mạ cũng như toàn ngành thép. "Chính phủ đã chấp nhận cho ngành điện tăng giá điện năm 2019. Việc này sẽ tác động trực tiếp đến chi phí giá thành của các đơn vị, trong khi đó giá đầu ra bị hạn chế do nguồn cung dư thừa. Yếu tố này càng gia tăng áp lực làm giảm hiệu quả của các đơn vị thuần sản xuất phôi thép, thép cán và tôn mạ", ông Thảo nói.
Xung quanh câu chuyện sản xuất, kinh doanh của ngành thép, theo ông Lê Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam: Thời gian qua, tôn mạ NK từ Trung Quốc lớn với giá rẻ đã cạnh tranh khốc liệt với tôn Việt Nam. Mức chênh lệch giá thép cán nóng và thép cán nguội đã bị thu hẹp xuống mức rất thấp từ trước đến nay, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các đơn vị. Đối với thép xây dựng, mặc dù có sự tăng trưởng tốt về sản lượng nhưng hiệu quả kinh doanh tăng không tương ứng.
Thời gian tới, cho rằng siết chặt NK thép từ Trung Quốc là giải pháp quan trọng giúp giải quyết khó khăn mà ngành thép phải đối mặt, VnSteel kiến nghị Chính phủ có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc NK tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, ngăn chặn sự NK ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Ngoài ra, VnSteel cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp phù hợp để kích cầu và hỗ trợ DN phát triển thị trường; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tập trung các công trình trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận tín dụng, kích cầu thị trường bất động sản...