Việt Nam được xem là một điểm đến giáo dục đầy hứa hẹn. Ảnh minh họa: RMIT |
Theo các nhà phân tích, ASEAN là thị trường năng động và một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành giáo dục tại ASEAN là tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Với dân số khoảng 700 triệu người, ước tính có khoảng 200 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 484 triệu người vào năm 2030.
Thực tế, khi thu nhập tăng lên, các gia đình sẵn sàng chi nhiều hơn cho việc học của con cái. Tại các trung tâm đô thị như Jakarta, Kuala Lumpur, Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh, các trường tư thục đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng tuyển sinh, do các gia đình khá giả muốn mang đến con em mình một nền giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Đây được coi là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục - một trong những lĩnh vực tăng trưởng triển vọng nhất của ASEAN.
Song song đó, các chính phủ ở Đông Nam Á cũng ngày càng ưu tiên giáo dục như một trụ cột trung tâm trong các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Dữ liệu gần đây về chi tiêu cho giáo dục trên toàn khu vực cho thấy, một số nước đang phân bổ một phần đáng kể ngân sách quốc gia để cải thiện chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư
Theo ASEAN Briefing, Đông Nam Á đang ngày càng cởi mở hơn với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào giáo dục, mang đến những cơ hội đáng kể. Ví dụ, Indonesia đã nới lỏng các quy định để cho phép giới đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực như giáo dục đại học và đào tạo nghề. Malaysia khuyến khích các trường đại học nước ngoài thành lập chi nhánh và đưa ra các ưu đãi đầu tư vào các trường tư thục và trường quốc tế.
Thái Lan cũng cho thấy nhu cầu về các trường quốc tế và trung tâm đào tạo nghề, đặc biệt là những trường phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, trong khi cải cách giáo dục của Việt Nam đang mở ra cánh cửa cho các tổ chức giáo dục nước ngoài hiện diện tại đây.
Rõ ràng, khi các quốc gia trong khu vực tiếp tục công nghiệp hóa, nhu cầu về lao động có tay nghề là rất cấp thiết. Điều này tạo ra một thị trường béo bở cho các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp các chương trình đào tạo chuyên biệt trong các lĩnh vực như kỹ thuật, CNTT và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, sự thâm nhập ngày càng tăng của internet trên khắp Đông Nam Á và sự chấp nhận đối với giáo dục trực tuyến tạo ra một cơ hội đáng kể cho các nhà cung cấp EdTech (công nghệ giáo dục).
Một cơ hội đang phát triển khác trong lĩnh vực giáo dục của Đông Nam Á là nhu cầu đối với các chương trình đào tạo doanh nghiệp và phát triển chuyên môn. Khi các ngành công nghiệp trên khắp khu vực áp dụng các công nghệ tiên tiến và các công cụ kỹ thuật số, các công ty ngày càng tìm kiếm các giải pháp đào tạo để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng nhu cầu này bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo doanh nghiệp được thiết kế riêng, tập trung vào các lĩnh vực như lãnh đạo, chuyển đổi số và các kỹ năng kỹ thuật cụ thể theo từng ngành.
Việt Nam: Điểm đến giáo dục đầy hứa hẹn
Ngành giáo dục của Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng, được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ và đang phát triển, thu nhập hộ gia đình tăng và chính phủ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.
Nỗ lực cải thiện giáo dục này mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều cơ hội trong các lĩnh vực chính như đào tạo nghề, quan hệ đối tác giáo dục đại học và các giải pháp EdTech mới nổi.
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách thành lập các trung tâm đào tạo nghề hoặc hợp tác với các cơ sở hiện có. Các chương trình cấp chứng chỉ chuyên ngành trong các lĩnh vực như kỹ thuật, công nghệ ô tô và chăm sóc sức khỏe được đánh giá sẽ rất có giá trị, giải quyết khoảng cách kỹ năng, đồng thời hỗ trợ tham vọng công nghiệp của Việt Nam.
Việt Nam cũng đang nổi lên như một điểm đến của sinh viên quốc tế, với sự tăng trưởng ổn định về số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký trong những năm gần đây. Tính đến năm học 2023 - 2024, Việt Nam tiếp nhận khoảng 22.000 sinh viên nước ngoài - con số cao nhất trong 9 năm qua. Xu hướng này đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với 18.500 sinh viên quốc tế theo học trong năm 2020 - 2021 và chứng minh sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến giáo dục chất lượng có chi phí phải chăng.