Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” dùng cho sản phẩm chanh không hạt của tỉnh Hậu Giang” đã góp phần bảo hộ tài sản trí tuệ,ịchanhkhnghạtHậmha chap mới nâng tầm giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế cho loại nông sản này.
Dự án đã tổ chức các hội thảo nhằm tăng cường năng lực quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chanh không hạt là một trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh, được tập trung xây dựng thương hiệu trên thị trường nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.700ha diện tích trồng chanh không hạt, chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng thu hoạch trung bình đạt 30.494 tấn/năm, được tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước, với giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg. Trước tiềm năng và nhu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh vận động người dân tiếp tục trồng loài cây này.
Chanh không hạt Hậu Giang được xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để quản lý nhãn hiệu tập thể hiệu quả hơn.
Tại Hậu Giang, Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước, ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành được xem là “cái nôi” của chanh không hạt. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân đã mua giống chanh này về trồng và nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, hợp tác xã đã có 84 thành viên trồng chanh không hạt với diện tích khoảng 97ha. Năm 2013, hợp tác xã này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang”.
Tuy nhiên, sau khi được bảo hộ, giá trị của nhãn hiệu tập thể này vẫn chưa được khai thác triệt để. Nhiều hành vi giả mạo làm ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu. Trong khi đó, hợp tác xã chưa có công cụ nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để quản lý hiệu quả. Do đó, năm 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” dùng cho sản phẩm chanh không hạt của tỉnh Hậu Giang”, do Ths. Huỳnh Tấn Vụ làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh là cơ quan chủ trì. Dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020.
Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu về vùng sản xuất và thị trường chanh không hạt. Học tập kinh nghiệm mô hình quản lý các sản phẩm đặc sản địa phương của các tỉnh. Từ đó, xây dựng mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” và phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu tập thể với các sản phẩm in ấn thử nghiệm như: túi lưới, thùng carton, tem dán, tem treo, tờ rơi, poster, pano quảng cáo ngoài trời,...
Dự án đã xây dựng website giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang”. Quảng bá sản phẩm trên các báo, đài và phương tiện truyền thông. Dự án cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để tăng cường năng lực quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo PGS.TS Dương Ngọc Thành, Trường Đại học Cần Thơ: “Dự án đã thực hiện hoàn chỉnh các sản phẩm, đạt về số lượng, chủng loại. Các sản phẩm có tính phù hợp và cơ sở khoa học. Nhìn chung, dự án đã thực hiện và đạt được kết quả cao”.
Sau 2 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh sản phẩm chanh không hạt. Qua các buổi tập huấn, hội thảo góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ quản lý về vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Tiếp cận và nắm bắt được vai trò của nhãn hiệu tập thể đối với sự phát triển của sản phẩm chanh không hạt Hậu Giang nói riêng và nông sản Hậu Giang nói chung.
Theo bà Nguyễn Thị Thiết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước: “Dự án thực hiện đã giúp cho hợp tác xã quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hiệu quả. Góp phần mang lại giá trị kinh tế và khẳng định thương hiệu sản phẩm chanh không hạt Hậu Giang trên thị trường. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể và quản lý nhãn hiệu trong thời gian tới để giúp hợp tác xã và nông dân phát triển hơn”. Qua dự án này, một lần nữa khẳng định và nâng tầm giá trị cho tài sản trí tuệ của tỉnh Hậu Giang trên thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ