Kinh tế TPHCM còn tiềm ẩn nhiều khó khăn |
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: T.D |
Công nghiệp, thương mại khởi sắc
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, nhìn chung trong tháng 4/2023, các ngành công nghiệp, thương mại có sự khởi sắc, đặc biệt là du lịch, vận tải hành khách tăng cao.
Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2023 của TPHCM ước đạt khoảng 95.853 tỷ đồng, tăng 12,2% so tháng trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 359.581 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 4, tổng doanh thu về du lịch ước đạt 15.035 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022; khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 32,12 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết 43.440 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công. Đến 21/4, TPHCM đã giải ngân là 2.020 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 5% tổng số vốn giao. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 170.000 tỷ đồng, đạt 36% dự toán năm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, IIP toàn ngành ước tăng 1,4%. Công nghiệp TPHCM ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, qua đó tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo.
Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho hay tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 170.020 tỷ đồng, bằng 36,20% dự toán năm và bằng 96,77% so cùng kỳ năm trước.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng, một con số đáng mừng là qua 4 tháng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ còn 0,7 lần so số doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy chưa bằng năm 2022 nhưng đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn đang chảy về thành phố.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, kinh tế có xu hướng phục hồi và có nhiều điểm sáng nổi bật. Các chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tín dụng, bất động sản đã cho thấy sự tập trung chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ và TPHCM đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, kinh tế TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục theo dõi và nỗ lực giải quyết, nhất là lĩnh vực đầu tư công. Theo mục tiêu, hết quý 2, giải ngân đầu tư công đạt 35% nhưng hiện tại con số này mới đạt 4,9%.
Theo ông Phan Văn Mãi, “điểm rơi” của công tác giải ngân đầu tư công sẽ vào khoảng tháng 5 - 6, khi bắt đầu thực hiện nhiều dự án trọng điểm như vành đai 3 TPHCM. Do đó, TPHCM cần hết sức tập trung, đặc biệt để tâm công tác giải phóng mặt bằng. Đến ngày 30/6, tỉ lệ giải phóng mặt bằng cho các dự án phải đạt 70% để tiến hành các bước tiếp theo.
Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 giảm so với các tháng ở quý 1. Nguyên nhân lớn của việc xuất nhập khẩu giảm cũng xuất phát từ khó khăn của thị trường bất động sản. Khi thị trường này “chững lại” thì những mặt hàng liên quan như vật tư xây dựng, sắt thép, nội thất, trang thiết bị… cũng “chững lại”.
Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng đánh giá phải đến quý 3, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới có thể khởi sắc trở lại, từ đó xuất nhập khẩu mới có thể tăng trưởng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nhấn mạnh, ngành kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 3% GDP nhưng có sức lan tỏa đến 40 ngành kinh tế khác nhau. Do đó, khi ngành này khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến các dịch vụ khác.