Ths.BS.Hồ Hoàng Phương Thảo
* Bác sĩ có thể cho biết cụ thể về tình trạng trẻ bị nhược thị do đeo kính không đúng độ?ảovệcửasổtâmhồkq bóng đá ngoại hạng anh đêm qua
Có một số người do bận rộn nên nhiều khi không đưa con đến bệnh viện đo mà đưa ra tiệm kính đo cho tiện lợi, vì đo ở tiệm thì có thể đi sau giờ làm việc, nhưng đối với trẻ em thì một số trường hợp tiệm kính sẽ đo không chính xác, thậm chí họ không đo được vì các lý do sau: thứ nhất là trẻ điều tiết nhiều, thứ hai là trẻ không hợp tác và nhân viên ở tiệm kính nhiều khi không có chuyên môn, họ chỉ bấm máy và thấy độ thế nào là cho trẻ đeo kính theo độ đó nhưng thực chất có khi độ đó lại quá hoặc thiếu so với độ đúng của bé. Đặc biệt là những trẻ có độ viễn thị và loạn thị cao thì tiệm kính đo không được. Với những trường hợp này khi đến bệnh viện, các kỹ thuật viên phải nhỏ thuốc để liệt điều tiết, tức nhỏ thuốc để liệt hết điều tiết của đứa bé ra và sau 30-45 phút thì đo độ mới chính xác.
Cũng nói thêm là đối với những trẻ bị tật khúc xạ một mắt, còn mắt kia thị lực tốt, nhiều khi người nhà không để ý và phát hiện ra bởi nhìn cả hai mắt thì trẻ vẫn thấy bình thường. Chỉ khi tình cờ chơi trò chơi gì đó, trẻ bịt một mắt lại thì thấy mắt kia không thấy đường hoặc qua chương trình khám sức khỏe đầu năm tại một số trường học có khám thử thị lực mới phát hiện ra trẻ bị tật khúc xạ ở một mắt. Những trường hợp này nếu không được khám, điều trị và đeo kính thì lâu ngày mắt sẽ có nguy cơ bị nhược thị rất cao.
* Tỉ lệ trẻ bị nhược thị hiện nay có cao không, thưa bác sĩ? Những nguy hiểm từ việc cha mẹ không cho con đo mắt ở những cơ sở có chuyên môn mà chỉ đến đo tại các tiệm kính là gì?
Tỉ lệ tật khúc xạ ở trẻ em nói chung khoảng là 40%, còn tỉ lệ nhược thị từ nhỏ khoảng 3%. Nhược thị điều trị rất khó bởi đòi hỏi sự hợp tác của đứa trẻ và của ba mẹ. Để điều trị nhược thị, đầu tiên đứa trẻ phải được đo mắt đúng sau đó điều trị mới có kết quả còn nếu đo không chính xác thì không thể điều trị được. Vì vậy, đo ở tiệm kính mà họ không nhỏ thuốc liệt điều tiết thì độ đo được không chính xác, đeo kính không đạt thị lực tối đa và mắt đó vẫn nhìn mờ. Sau một thời gian, mắt sẽ bị nhược thị. Nếu đứa trẻ đến bệnh viện muộn quá thì điều trị cũng không thành công vì điều trị nhược thị phải điều trị lúc đứa bé dưới 6 tuổi là tốt nhất, còn từ 6-8 tuổi tỉ lệ thành công đã kém đi và trên 10 tuổi thì rất khó.
Như vậy có thể nói nguy hiểm khi đi ra tiệm kính đo và đeo kính không đúng độ là làm cho thị lực kém và có thể dẫn đến nhược thị. Ngoài ra cho trẻ đeo độ quá so với độ đúng của trẻ, tức là thay vì độ rất thấp thì cho đeo độ cao và trẻ quen với độ cao như vậy. Sau này khi đến bệnh viện đo lại đúng độ của trẻ thì do trẻ đã quen với độ cao rồi nên đến khi cho đeo kính độ đúng là độ thấp, đứa bé lại nhìn mờ và gây ra tình trạng rối loạn điều tiết. Bên cạnh đó nếu đeo kính không đúng độ, trẻ sẽ bị nhức đầu, chóng mặt.
Ths.BS.Hồ Hoàng Phương Thảo đang kiểm tra mắt cho trẻ
* Vậy, cần cho trẻ đi khám mắt và đo mắt thế nào cho đúng?
Nên đến bệnh viện có chuyên khoa mắt, đặc biệt là bệnh viện có chuyên khoa mắt về trẻ em - nơi có những kỹ thuật viên được đào tạo chính quy - để đo mắt cho đứa bé một cách chính xác.
* Đâu là những dấu hiệu để cha mẹ biết được con mình có vấn đề về mắt hay tật khúc xạ và cần phải đưa đi khám?
Đối với những đứa trẻ có biểu hiện nghi ngờ ví dụ hay chạy đến sát tivi để xem hoặc đi học cô cho ngồi ở những bàn cuối không thấy nhưng khi chuyển lên bàn trên thì thấy rõ, hoặc khi viết bài trẻ hay viết sai, viết không thẳng hàng, hoặc khi nhìn ra xa trẻ hay nheo mắt hoặc nháy mắt… Đó là những biểu hiện cho thấy đứa trẻ có khả năng bị tật khúc xạ. Ngoài ra có một số trẻ cha mẹ phát hiện dễ hơn ví dụ như bị lé chẳng hạn.
Những trẻ đó lúc đầu sinh ra bình thường nhưng sau một thời gian thì bị lé và có thể là do mắt đó bị nhược thị dẫn tới lé. Hoặc những biểu hiện bất thường khác mà ba mẹ rất dễ phát hiện như trẻ bị sụp mi. Cha mẹ có thể thấy về thẩm mỹ không đẹp nhưng do mi sụp xuống lâu ngày cũng có thể dẫn tới nhược thị, hoặc nhìn bên ngoài thấy sụp mi nhưng có thể kèm theo tật khúc xạ mà mình không biết. Hoặc nhìn vào mắt con thấy có chấm trắng chẳng hạn thì có thể là đứa bé bị đục thể thủy tinh. Những trường hợp đục thể thủy tinh bẩm sinh hoặc đục thể thủy tinh trẻ em nếu không được điều trị cũng dẫn đến nhược thị. Những trường hợp nhược thị đó là do những bệnh lý khác chứ không phải do tật khúc xạ gây ra. Tuy nhiên một số phụ huynh khi thấy mắt con không nhìn rõ thì đưa con đến tiệm kính để đo mắt mà không biết rằng con phải được điều trị những bệnh lý đó ở bệnh viện chuyên khoa mắt. Và đến khi con đeo kính một thời gian dài vẫn không nhìn rõ mới đưa con đến bệnh viện kiểm tra, khi đó mắt con đã bị nhược thị.
* Nhiều khi vào một lớp học thấy có đến 1/3 học sinh trong lớp đeo kính. Bác sĩ có thể cho biết vì sao tỉ lệ trẻ bị tật khúc xạ ngày càng nhiều như vậy?
Có thể nói, do xã hội ngày càng phát triển, trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi,… ngày càng nhiều nên tỉ lệ trẻ bị tật khúc xạ ngày càng cao. Ngày trước không có tivi, điện thoại,… đứa trẻ đi học về là chạy ra ngoài đồng, ngoài ruộng hay ra sân nhà chơi; bây giờ trẻ đi học về, ba mẹ cho xem tivi, điện thoại, ipad... nên trẻ không có thời gian ra ngoài vui chơi. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ. Lý do khác nữa là bàn học của trẻ không có đầy đủ ánh sáng.
Để phòng tránh tật khúc xạ, cha mẹ hạn chế cho bé tiếp xúc những thiết bị điện tử và nên cho con vui chơi ngoài trời nhiều hơn, học bài phải có đầy đủ ánh sáng, nên cho bé ngồi ở bàn học vừa tầm để tốt cho mắt và tránh vẹo cột sống.
* Ngoài ra bác sĩ có lời khuyên gì thêm với các cha mẹ để bảo vệ mắt cho trẻ một cách tốt nhất?
Bất kỳ khi nào cha mẹ phát hiện thấy mắt con có dấu hiệu bất thường thì cha mẹ nên đưa con đi khám ngay tại bệnh viện mắt hoặc bệnh viện có chuyên khoa mắt, như: Bệnh viện mắt Huế để kiểm tra và nếu phát hiện sớm đứa bé có tật khúc xạ nên cho bé đeo kính đúng độ để phòng tránh nhược thị.
Nếu cha mẹ phát hiện con mình bị nhược thị cần điều trị sớm thì khả năng thành công rất cao, còn khi đứa trẻ lớn, đặc biệt trên 10 tuổi thì điều trị rất khó khăn và có thể không thành công. Một khi đã bị nhược thị, thị lực sẽ rất kém và sau này có thể ảnh hưởng đến học tập cũng như tương lai. Bởi có một số ngành nghề dù trẻ rất thích nhưng nếu bị nhược thị không thể chọn học...
* Xin cảm ơn bác sĩ!
“Nhược thị là tình trạng giảm thị lực ở một mắt hoặc hai mắt dưới mức 20/30 hoặc có sự khác biệt giữa 2 mắt trên 2 dòng dù đã được điều chỉnh kính tối ưu và không tìm được nguyên nhân thực thể phù hợp” Ths.Bs.Hồ Hoàng Phương Thảo |
NGỌC HÀ (thực hiện)