Sau khi vua Thục dựng nước Âu Lạc trên tiền đồ của các vua Hùng để lại, nhkết quả myanmar hôm nay thì bên Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng cũng đã thống nhất xong thiên hạ và lăm le xâm chiếm nước ta. Năm 214 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư mang 5 vạn quân sang đánh chiếm Âu Lạc. Thục Phán đã lợi dụng địa hình, địa vật, khơi gợi tinh thần yêu nước của nhân dân nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Vua Thục cho quân mai phục các nơi hiểm yếu, dùng lối đánh xuất quỷ nhập thần quấy nhiễu quân giặc làm cho chúng mất ăn mất ngủ. Đồ Thư mang quân đi trấn áp nhưng liên tục bị bại trận vì lối đánh du kích của quân Thục. Đồ Thư bị bắn chết tại trận, quân Tần thua trận rút chạy về nước. Vua Thục giữ yên được bờ cõi, mở mang ruộng vườn cho dân làm ăn. Vua khuyến khích các làng nghề thủ công như đúc đồng, làm mộc phát triển...
Đất nước đang hồi thịnh trị thì Triệu Đà (Trung Quốc) lại sang xâm lược hòng sáp nhập nước ta thành quận, huyện của chúng. Tuy nhiên, với sự thông minh, sáng suốt của mình, vua Thục Phán đã lãnh đạo nhân dân Âu Lạc đánh tan các cuộc tấn công xâm lược của Triệu Đà.
Sử cũ chép rằng, do không thể khuất phục được quân và dân nước Âu Lạc bằng vũ lực, Triệu Đà dùng kế hoãn binh kết tình sui gia và cho con trai là Trọng Thủy sang cưới nàng Mỵ Châu, ở rể tại đất Âu Lạc. Tại đây, Trọng Thủy đã dùng kế ly gián và kết quả nhiều tướng tài như Cao Lỗ bị bãi chức, nhiều bí mật quân sự bị đánh cắp. Năm 208 trước Công nguyên, Triệu Đà xé bỏ sự hòa hiếu giữa hai bên và mang quân sang đánh chiếm Âu Lạc. Vì chủ quan nên quân Âu Lạc thua trận, vua Thục Phán tự tử vào năm 207 trước Công nguyên.
Trong hơn 50 năm cầm quyền cai trị đất nước, vua Thục Phán đã phát huy được truyền thống yêu nước, thương dân từ các đời vua Hùng. Đặc biệt, ông còn quan tâm đến việc phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa không chỉ trong nội quốc mà còn đối với các quốc gia ở phương Bắc. Việc vua Thục Phán gả con gái của mình cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, là minh chứng cho sự hòa hiếu, khát vọng hòa bình để tránh nạn binh đao của dân tộc ta từ thời thượng cổ. Các nhà sử học nghiên cứu và nhận định về tính hợp tác, bình đẳng giữa các quốc gia qua việc làm của vua Thục Phán là một trong những yếu tố cốt lõi về đường lối ngoại giao của nước ta xuyên suốt hàng thế kỷ qua. Đặc biệt, với thành Cổ Loa, đỉnh cao của nghệ thuật phòng thủ quân sự và cũng là đô thị đầu tiên trong lịch sử nước ta. Giới khoa học nhận định, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình, kinh đô và đất nước. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh khi tác chiến.
Về yếu tố xã hội, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa giàu nghèo của xã hội đương thời. Vua quan đã tách khỏi dân chúng và phải được bảo vệ chặt chẽ không như thời các vua Hùng sống hòa lẫn với dân cư. Vì vậy, thành Cổ Loa trở thành di sản lịch sử, văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo của người Việt cổ.
Tấn Phong